Giản dị, khiêm tốn và hết lòng vì công việc là những cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với anh Dương Văn Hiến, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến, người đã thực hiện thành công Đề tài “Cải tạo giống nhãn địa phương theo phương pháp ghép cành trên các cây nhãn đang thời kỳ kinh doanh” đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng nhãn ở xã Phúc Thuận (Phổ Yên).
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, năm 1993, anh Hiến về công tác tại Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên. Tại đây, được thực hiện các mô hình, ô mẫu trong trồng trọt, chăn nuôi đã giúp anh tiếp cận với thực tế, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Anh tâm sự: Là 1 kỹ sư nông nghiệp, tôi luôn muốn tìm ra những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.
Qua thống kê, anh được biết huyện Phổ Yên có hơn 1.700ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây nhãn khoảng 700ha nhưng năng suất thấp, chất lượng quả kém, thời vụ rải rác, thường chín sớm cùng với vải thiều nên giá thành không cao. Từ những kinh nghiệm tích lũy được, năm 2008, anh đã thực hiện Đề tài “Cải tạo giống nhãn địa phương theo phương pháp ghép cành trên các cây nhãn đang thời kỳ kinh doanh” giúp người trồng nhãn ở xóm Khe Đù, Phúc Thuận giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận.
Anh Hiến chia sẻ: Từ năm 2006, chúng tôi đã làm thí điểm ghép mắt nhãn của một số hộ gia đình thuộc xóm Khe Đù. Sau 2 năm theo dõi, chăm sóc, những cây ghép đã nhú mầm và cho quả sai, to hơn so với những cây không được chiết ghép. Thấy đạt kết quả tốt, năm 2008, tôi khuyến khích bà con trong xóm nhân rộng. Chúng tôi đã đốn các cây nhãn của địa phương có chất lượng kém để ghép mắt, ghép cành bằng các giống nhãn đặc sản, chín muộn lấy từ Hưng Yên. Từ đó tạo ra cây nhãn mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân để chủ động tiến hành ghép trên các cây nhãn của gia đình. Số hộ tham ra cải tạo vườn nhãn là 28, với diện tích 30ha.
Trong quá trình thực hiện, tôi đã cùng bà con lựa chọn các cây ghép mắt có sức sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh. Khi cành mọc phải loại bớt các mầm nhỏ, chỉ để lại các mầm có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, phân bố đều trên cây. Mỗi cây chỉ nên ghép từ 15-30 mắt. Qua quá trình theo dõi và so sánh cho thấy, khi trồng sang năm thứ 3 trở đi, cây nhãn mới có đường kính tán khoảng 2m, chiều cao 1,8 đến 2,2m, năng suất từ 10-15kg quả/cây/năm. Còn khi tiến hành đốn và ghép mắt thì sau 3 năm đã cho năng suất từ 70-100kg/cây/năm, chất lượng quả thơm ngon, vị ngọt sắc, cùi dầy và rất dễ tiêu thụ.
Ông Nguyễn Viết Quỳnh, Trưởng xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận vui mừng cho biết: Được sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của anh Hiến cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, bà con trong xóm đã từng bước cải tạo vườn nhãn địa phương quả nhỏ, năng suất kém. Nếu chặt bỏ cây cũ đi trồng lại bằng cây con thì vừa tốn công, vừa tốn tiền mua cây giống, thời gian cho thu hoạch lại lâu, năng suất thấp. Nhưng đốn, ghép và cải tạo sau 3 năm thì cho năng suất cao gấp 10 lần. Đến nay, diện tích nhãn ghép cải tạo của xóm đã được 30ha, bà con rất phấn khởi. Chúng tôi cũng nhận thấy anh Hiến là người rất xông xáo, có trách nhiệm với công việc, gần gũi với nông dân.
Ông Ngô Thành Đê, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho nhân rộng mô hình nhãn ghép này đối với xã Phúc Thuận và các xã có diện tích vườn đồi lớn như: Thành Công, Minh Đức, Phúc Tân… Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGap.
Trong quá trình làm việc, anh Hiến đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, nhất là những hiểu biết về thổ nhưỡng và cả những thuận lợi, khó khăn trong quá trình canh tác của nông dân để đưa ra phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Năm 2003, anh được bầu giữ chức Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Tháng 6-2012, anh được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến. Dù ở vị trí công tác nào anh cũng đều được anh em, đồng nghiệp quý mến, tin yêu.
Có thể nói, học và làm theo lời Bác với anh chính là hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, không ngừng học tập, bổ sung kiến thức và quan trọng hơn là đem những kiến thức, kinh nghiệm đó để phục vụ nhân dân. Với thành tích đã đạt được, từ năm 2009 đến nay, anh Hiến liên tục được nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2010, anh được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, vừa qua anh đã vinh dự được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.