Ngôi nhà chung của tình đồng đội

13:47, 05/06/2012

Gần nửa năm nay, cuối xóm Gia Bảy, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), một ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi được cất lên sẵn sàng đón tiếp bất kỳ một cựu thanh niên xung phong (TNXP) nào đặt chân đến. Đó là “ngôi nhà chung” của Đại đội TNXP 912 (thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái) năm xưa.

Chị Vi Thị Cúc, Đại đội trưởng TNXP 912, là một trong những người nung nấu ý tưởng và là người đã dành hàng trăm mét vuông đất để xây “ngôi nhà chung” cho biết: Năm nào cũng vậy, Đại đội TNXP 912 của chúng tôi lại tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống (15-7) hoặc kỷ niệm ngày hy sinh của các đồng đội thuộc Đại đội 915 Anh hùng (trong trận bom tại ga Lưu Xá năm 1972). Sau đó, đến dâng hương tại di tích ga Lưu Xá, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và thăm hỏi động viên các hội viên neo đơn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải tổ chức luân phiên ở gia đình các hội viên. Điều này gây không ít phiền hà cho người nhà của họ, hơn nữa tìm được nơi rộng rãi, thoải mái cho cuộc “hội ngộ” là không dễ. Xuất phát từ đó, ý tưởng dựng một ngôi nhà chung làm nơi đón tiếp, gặp mặt cho các cựu TNXP đã được thắp lên và đến nay đã thành hiện thực”.

 

Ngắm lại ngôi nhà rộng trên 60 m2, trên ốp trần nhựa, dưới lát gạch hoa, có ti vi, bàn ghế… Phía sau lại có nhà bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh khép kín, chị Cúc tỏ ra mãn nguyện và tự hào kể lại: “ Ngày khởi công (tháng 9-2011), đông đảo hội viên đã có mặt cùng góp công giải phóng mặt bằng, đào móng, làm nền nhà, vận chuyển vật liệu… Ai cũng sôi nổi, hào hứng như thể làm cho chính ngôi nhà của mình vậy. Hơn 3 tháng sau, lễ khánh thành ngôi nhà đã được tổ chức. Càng ý nghĩa hơn khi đúng kỷ niệm ngày hy sinh của Đại đội TNXP 915 Anh hùng (đơn vị cùng bốc dỡ hàng hóa tại ga Lưu Xá không may bị bom dội tối 24/12/1972). Hôm đó, có đến trên 60 đại biểu đến chung vui chúc mừng. Có đến gần 40 hội viên xa được ở lại trong ngôi nhà chung này”.

 

Được biết, để thực hiện ý tưởng này, những cựu TNXP cũng đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là mặt bằng để xây dựng nhà đã được chị Cúc tháo gỡ, nhưng làm thế nào để có được số tiền lớn mua vật liệu xây dựng thì không hề đơn giản đối với họ. Trên 120 cựu TNXP của Đại đội 912 năm xưa đều đã luống tuổi, sức khỏe suy giảm lại sống rải rác trong và ngoài tỉnh. Phần lớn họ không có lương hoặc thu nhập thấp, phải sống dựa vào gia đình, con cháu. Chỉ có một số ít người có cuộc sống khá giả…

 

Những ngày đầu, ban liên lạc đã phải rong ruổi đến từng nhà của hội viên trong tỉnh để vận động quyên góp. Đây là việc là có ý nghĩa thiết thực, ai cũng đồng tình ủng hộ hết khả năng. Có người góp đến 10 triệu đồng như hội viên Nguyễn Minh Lương (T.P Thái Nguyên), hội viên Báo Văn Lạc (Chợ Mới, Bắc Kạn – 7 triệu đồng)… Thấy chị Cúc tâm huyết với hội, chồng chị, anh Nguyễn Văn Sơn là cựu chiến binh chiến trường B, C, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cũng ủng hộ 4 triệu đồng… Tuy nhiên, phần lớn hội viên còn lại có lòng nhưng “sức” lại yếu. Cuối cùng, hội cũng chỉ gom góp được 50 triệu đồng. Con số đó quá khiêm tốn cho việc xây dựng ngôi nhà theo ý tưởng. Thấy vậy, một số hội viên có điều kiện đã cho hội vay (không tính lãi) để “ngôi nhà chung” sớm được hình thành và đưa vào sử dụng. Đến khi hoàn thành, số tiền xây dựng và mua sắm nội thất lên đến trên 240 triệu đồng.

 

Hiện ngôi nhà được Hội giao cho hội viên Hà Thị Thanh, (Phú Thượng, Võ Nhai) trông coi. Chị Thanh có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu lại không có thu nhập. Đến đây, chị được Hội chăm lo về cuộc sống. Ngoài ra, chị còn được Hội đầu tư mua 50 đôi chim bồ câu, hơn 10 con ngỗng để nuôi. Đồng thời, chị Cúc cũng giao cho chị Thanh trên 2 sào đất bờ sông để trồng rau, tạo thu nhập. “Được sự quan tâm của đồng đội, đặc biệt là tấm lòng nhân ái của chị Cúc, từ nửa năm nay, cuộc sống của tôi đã ổn định. Được sống trong ngôi nhà chung tôi thấy rất thoải mái và ấm áp”. Chị Thanh cảm động nói. Chị Cúc chân thành: “Chúng tôi mong sao sau này có thể vận động những cựu TNXP neo đơn, không nơi nương tựa đến “ngôi nhà chung”, tôi và đồng đội sẽ giúp họ có tư liệu sản xuất để họ được đảm bảo cuộc sống”.

 

Có thể nói, đã hơn 30 năm trôi qua nhưng ý chí, tình cảm, tấm lòng vì đồng đội của những cựu TNXP vẫn vẹn nguyên như những ngày cùng vào sinh ra tử. Càng đáng quý hơn khi những tình cảm ấy được cụ thể hóa trong cuộc sống đầy nỗi bon chen như hiện nay.