“Tôi chỉ muốn mọi người cũng sáng ra”

12:42, 15/06/2012

Đó là suy nghĩ của ông Hoàng Mạnh Thành, ở Tổ 15 (trước là xóm Cửa Ngòi) phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên - người đã mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng.

Lâu nay, đấu tranh tự phê bình phê bình và vẫn được coi là điểm yếu của mỗi con người và ngay cả trong các cuộc họp chi, đảng bộ. Đây cũng là một trong những lý do mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng “về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” cũng chỉ rõ. Vì vậy, khi biết ông Hoàng Mạnh Thành là người đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực với một người đang giữ “chức trọng quyền cao” ở phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên là tôi  đã muốn đi gặp ông ngay.

 

Quả nhiên, khi gặp và được trao đổi với ông, tôi thấy ông là người am hiểu rất nhiều lời dạy của Bác về lẽ sống; đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Con người ông toát lên vẻ chân thành, đôn hậu không có gì ác ý với người mà mình vừa tố cáo có hành vi tham nhũng. Khi tôi có ý băn khoăn: việc đấu tranh chống tham nhũng đối với những người bình thường đã khó, vậy tại sao ông lại dám chống lại bà Nguyễn Thị Thu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quang Vinh? Ông không sợ bị trả thù hay mọi người xa lánh? Ông nói nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết: “Tôi xác định, đã là đảng viên thì phải sống sao cho gương mẫu, có đạo đức để người khác không chê trách mình. Các cụ nói “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” nên tôi đấu tranh để mong mọi người cũng sáng ra, chứ không muốn mọi người tối đi”. Chính từ suy nghĩ ấy, ông đã không thể làm ngơ trước việc làm của bà Thu, vừa là Bí thư Đảng ủy phường, Chủ tịch HĐND phường, vừa là người dân sinh sống trong tổ của ông.

 

Qua tâm sự của ông tôi được biết: Trước đây ông đã từng làm Trưởng phòng Tổ chức ở Công ty Lâm sản Bắc Thái rồi về nghỉ hưu năm 2004. Sau đó ông lại tham gia làm công tác tổ chức, cán bộ tại Hợp tác xã cao cấp Bắc Hà (ông còn là Bí thư Chi bộ của Hợp tác xã). Vì vậy, hiện nay ông đang sinh hoạt đảng ở nơi cư trú theo Quy định 76 của Bộ Chính trị. Ngoài những giờ làm việc ở cơ quan, cũng như nhiều công chức khác, ông thường dành thời gian để qua lại thăm hỏi bà con làng xóm làm ăn ra sao?.

 

Trong câu chuyện vui, buồn ông biết được nỗi lòng của một số hộ dân nơi đây đang rất bức xúc vì những việc làm sai trái của bà Thu. Ví dụ như  nghe ông Trần Xuân Mai phản ánh bị bà Thu chiếm đoạt đất đai và tiền của, ông Thành đã bức xúc không kém họ, vì gia đình ông Mai rất khó khăn, hai ông bà người trên 70, người ngoài 80 tuổi, đã già yếu, ông còn bị bệnh tim; các con ông bà cũng chẳng khá giả gì suốt ngày lam lũ mồ hôi nước mắt, người Nam, kẻ Bắc. Trong khi đó, bà Thu còn nhận ông bà Mai là bố, mẹ nuôi. Rồi bà Thu đã bảo bà Kim  (vợ ông Mai) đã đưa cho mình 12 chỉ vàng (lúc đó bán được 17 triệu 400 nghìn đồng)  để làm lộ phí chia tách đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho con cháu và ông, bà từ năm 2006 (trong khi số tiền thực phải nộp theo quy định của Nhà nước chỉ có 1 triệu 576 nghìn đồng). Đến năm 2011 mới làm xong thủ tục, nhưng khi kiểm tra lại đất đai gia đình ông Mai lại phát hiện trong giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất bị thiếu gần  1.000m2 đất so với thực tế gia đình đang sử dụng. Hỏi bà Thu thì bà nói “quên” không đưa vào GCNQSDĐ.

 

Không riêng gì chuyện gia đình ông Mai mà còn nhiều gia đình khác như các gia đình: bà Dương Thị Kim Thoa; Nguyễn Thị Tân, Hoàng Thị Hiệp cũng rất bức xúc vì bà Thu tự đến từng nhà “mời chào” nhận làm thủ tục chia tách đất và tự đặt giá lộ phí, nhận tiền, vàng để làm thủ tục chia tách đất cho các hộ. Ông Thành nghĩ: Mình là đảng viên, nghe thấy những hành động của bà Thu như vậy là không đúng với tư cách của một Bí thư Đảng ủy phường.

 

Để trả lời cho dân thấy được sự việc đó của bà Thu đúng hay sai, ông đã tự đi tìm rất nhiều tài liệu để nghiên cứu như: Luật đất đai năm 2003; các quy định về cấp GCNQSDĐ. Qua đó ông thấy việc làm của bà Thu vừa trái với lương tâm, trái với tư cách đạo đức của một cán bộ đảng viên, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ông đã có ý kiến và văn bản phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền. Ông bảo: Trong thời gian phản ánh đến các cấp có thẩm quyền, ông cũng gặp không ít rắc rối vì anh em họ hàng, con cháu ngăn cản vì họ sợ ông bị trả thù; một số người nhà của bà Thu quay ra nói xấu ông. Thậm chí đơn ông đã gửi đi lâu chưa thấy cơ quan chức năng trả lời, một số người đã tự ý viết truyền đơn rải khắp xóm và có người lại cho rằng chính tay ông viết và rải truyền đơn đó. Nhưng ông đã bình tĩnh giải thích để mọi người hiểu: Việc ông làm là đàng hoàng, có văn bản, tên tuổi, địa chỉ, chứ không “ném đá giấu tay” và khuyên mọi người không nên làm như vậy. Có người còn gọi ông và ông Phạm Xuân Bạt, năm nay đã 83 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, vừa là người bị hại, vừa là người rất ủng hộ ông trong cuộc đấu tranh này - là “những phần tử làng Nhô”, “kẻ chống phá chính quyền”.  

 

Tuy nhiên, ông rất phấn khởi vì ý kiến của ông đã được Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo quyết liệt, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy vào cuộc tích cực nên bà Thu đã bị kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ phường Quang Vinh (theo Quyết định số 233 ngày 28-2-2012 của Thành ủy Thái Nguyên). 

 

Trong thời điểm hiện nay, Đảng ta đang dấy lên phong trào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì việc làm của ông Hoàng Mạnh Thành và ông Phạm Xuân Bạt thật đáng biểu dương. Tuy nhiên, khi kết thúc câu chuyện, các ông cũng tỏ rõ quan điểm không lấy gì làm vui khi một cán bộ chủ chốt của phường lại mắc sai phạm về những điều đảng viên không được làm và chỉ tiếc một điều: “Dư luận không tốt về bà Thu đã lâu, nếu như Chi bộ Tổ 15 và Đảng bộ phường Quang Vinh biết lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân, dám đấu tranh phê và tự phê bình thì đã ngăn chặn được việc làm sai trái của bà Thu. Vì hơn nữa, nếu bà Thu biết coi trọng tình làng nghĩa xóm, biết giữ gìn phẩm chất của người đảng viên thì đâu đến nỗi.