Tổ dân phố Thành Ưng, phường Phố Cò, T.X Sông Công được thành lập từ năm 1994, khi đó, tổ chưa có điện, chưa có đường bê tông. Hiện tại, tổ có 47 hộ, 198 nhân khẩu, trong đó 15% là hộ nghèo…
Giữa cái nắng chang chang của ngày hè tháng 6, bà con tổ dân phố Thành Ưng, phường Phố Cò, T.X Sông Công vẫn mỗi người một việc để hoàn thiện nốt những mét đường bê tông cuối cùng. Đồng chí Trần Văn Hoan, Bí thư Chi bộ của tổ dân phố nói với chúng tôi, người dân ở đây coi việc làm đường bê tông như việc của nhà mình, họ đồng lòng đóng góp được gần 800 triệu đồng bằng tiền mặt, chưa kể ngày công lao động, nhiều hộ góp tổng cộng gần 200m2 đất để làm đường. Vì thế, 3 đoạn đường liên tổ có tổng chiều dài 1,3 nghìn mét được làm xong chỉ trong vòng 1 tháng.
Tổ dân phố Thành Ưng được thành lập từ năm 1994, khi đó, tổ chưa có điện, chưa có đường bê tông. Hiện tại, tổ có 47 hộ, 198 nhân khẩu, trong đó 15% là hộ nghèo. Thu nhập của người dân còn thấp do chỉ trông vào đồng ruộng, lại cộng thêm mức đóng góp để làm đường điện, đường bê tông cao do nhà dân ở cách xa nhau, vì thế bà con mới chỉ đóng góp để làm được đường điện. Do chưa làm được đường bê tông nên lâu nay người dân nơi đây vẫn phải đi trên con đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề ổ gà, lầy thụt vào mùa mưa.
Đầu năm 2011, Chi bộ tổ dân phố đã ra nghị quyết chuyên đề về việc làm đường bê tông, theo đó 3 đoạn đường quá xấu và lượng người đi lại đông (với tổng chiều dài là 1,3 nghìn m/3 nghìn mét đường liên tổ) sẽ ưu tiên làm trước. Theo thiết kế, đường bê tông rộng 3m, dầy 20cm, tổng giá trị là 1,6 tỷ đồng, nhà nước chỉ đối ứng 50%, vậy thì tổ dân phố phải đóng góp tới 800 triệu đồng. Với 47 hộ dân còn khó khăn thì làm thế nào để góp đủ số tiền ấy? Câu hỏi đó đã được lãnh đạo tổ dân phố và bà con tìm ra câu trả lời và cách làm khả thi. Đó là, trước tiên, tổ dân phố phân chia ra từng phần việc, việc nào người dân có thể làm được như: vận chuyển vật liệu, đổ đất, san nền, xây kè nền đường, đắp lề đường… thì vận động người dân tự làm lấy để giảm tiền thuê nhân công. Những việc yêu cầu kỹ thuật cao, không tự làm được, thì Tổ tự hạch toán ra số tiền tương ứng. Từ đó, tính ra được số tiền người dân phải đóng góp là 3 triệu đồng/khẩu. Đây là số tiền rất lớn đối với các hộ gia đình, vì thế, lãnh đạo tổ kiên trì vận động người dân và tìm ra cách cho người dân đóng theo phương thức trả góp. Theo đó, người dân bắt đầu góp tiền từ tháng 10-2011, số thu được, tổ dân phố đem nộp vào ngân hàng. Cứ như thế, đến tháng 5-2012, thì bà con đã nộp được số tiền là gần 600 triệu đồng. Đến tháng 6-2012, Tổ quyết định bắt tay vào làm đường bê tông. Để các tuyến đường thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật theo quy định, Tổ đã thành lập Ban giám sát cộng đồng, huy động nhân dân trực tiếp tham gia giám sát công trình. Do mọi việc đều công khai, dân chủ, nên bà con nơi đây rất nhiệt tình góp tiền, góp đất, và góp hàng trăm ngày công lao động để hoàn thiện được 3 đoạn đường bê tông như dự tính.
Nói chuyện với người dân của Tổ, chúng tôi được vui lây niềm vui có đường bê tông mới. Ông Nguyễn Văn Chính cho biết: Gia đình tôi ở đây từ năm 1971, đường liên tổ chỉ là con đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, ảnh hưởng rất lớn đến đi lại và phát triển kinh tế của bà con. Gia đình tôi trước kia nuôi 50 con lợn. Tôi thường phải mất đến nửa ngày mới đưa được 8 tạ cám về đến nhà. Do đường nhỏ, xấu, tôi phải thuê xe ngựa và nhờ người vác cám về. Đến khi bán lợn thì bị người mua ép bán thấp hơn đến vài giá so với nơi khác, từ năm ngoái, gia đình tôi bỏ nuôi lợn. Nhưng giờ có đường sạch đẹp về đến tận ngõ, tôi lại tính nuôi lợn tiếp vì gia đình tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Còn cụ Lê Thị Năm thì vui mừng: Tôi năm nay đã hơn 80 tuổi. Con đường bê tông này là mơ ước của người dân chúng tôi. Bao nhiêu năm vất vả vì đường xá, cho nên khi tổ dân phố vận động làm đường, gia đình chúng tôi cũng dành dụm góp cho đủ gần 20 triệu đồng, và khi cần lấy đất của gia đình, chúng tôi cũng đồng lòng góp 50m2 đất thổ cư để làm đường.
Đồng chí Trần Văn Hoan, chia sẻ thêm, từ việc tổ chức làm đường bê tông vừa qua, chúng tôi thấy, nếu biết chọn giải quyết những vấn đề thiết thực với người dân, biết tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện một cách, dân chủ... thì nhất định sẽ được nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt kết quả cao. Vì thế, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu xây dựng tiếp 1,7 nghìn mét đường bê tông còn lại của Tổ trong thời gian tới. Đây là một kinh nghiệm quý về huy động sức dân, đúng như lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.