Tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xung phong đi đánh Mỹ. Đất nước thống nhất, anh về với đời thường và quyết tâm làm giàu tại quê hương, bên dãy Tam Đảo hùng vĩ! Với những cống hiến và nỗ lực của bản thân, anh đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh… Năm 2012, anh là 1 trong 4 cựu thanh niên xung phong (TNXP) của tỉnh tham dự Lễ tuyên dương cựu TNXP toàn quốc làm kinh tế giỏi. Anh là Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên, huyện Đại Từ.
Năm 1966, người thanh niên quê Văn Yên tạm biệt gia đình, quê hương viết đơn gia nhập vào đội TNXP đi đánh Mỹ. Cuối năm 1967, theo yêu cầu chi viện của chiến trường, anh chuyển sang quân đội vào miền Nam chiến đấu hơn 8 năm liền tại chiến trường Tây Nguyên, Bình Định. “9 năm trong quân ngũ chắc anh phải có nhiều kỷ niệm lắm?” - tôi hỏi. Anh Thiệp trầm tư: “Ký ức về tất cả những gì diễn ra vào khoảng thời gian đó luôn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Suốt 4 tháng hành quân từ miền Bắc vào chiến trường Bình Định, mỗi người trong tiểu đoàn phải đeo trên lưng một ba lô đồ đạc nặng khoảng 45kg, gồm gạo, quân tư trang… Trên đường đi, trải qua nhiều hiểm nguy, một số đồng chí không trụ được đã hi sinh, 1 người bị hùm bắt ăn thịt. Đầu tháng 4 năm 1968, Tiểu đoàn chúng tôi đến huyện Hoài Ân (Bình Định), ngay sau đó sáp nhập vào Sư đoàn 3 để chiến đấu trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Kháng chiến khổ cực nhưng ai nấy đều nêu cao quyết tâm đánh giặc. Tôi nhớ có lần quân Mỹ áp sát bộ đội ta bằng xe cơ giới, lúc đó quân ta bị thương vong nhiều, nhưng rất may có nhân dân đào hầm ngụy trang che giấu bộ đội nên còn có người sống sót. Cả tiểu đoàn gần 130 người đến lúc kết thúc chiến dịch Mậu Thân 1968 chỉ còn lại khoảng 30 người, và tôi là một trong những người may mắn đó… Năm 1970, trong lần đang chiến đấu với quân giặc, tôi bị mảnh đạn cối bắn vào bụng, mặt bị thương tưởng chết, nhưng may mắn tôi vẫn được sống và trở về với đời thường…!”.
Thời điểm sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống của người dân khắp mọi miền đất nước đều vẫn đang đói nghèo, phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ bao cấp, người dân làm công điểm hợp tác xã (HTX) để đổi lấy lương thực và đồ dùng. Anh Thiệp khi đó được về nghỉ dưỡng và phân công làm việc tại Vĩnh Phúc. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, đông con, bố anh qua đời khi anh đang làm nhiệm vụ nơi chiến trường, anh trai cũng hi sinh trong những năm tháng chiến đấu đó, bởi vậy, năm 1976, anh làm đơn và được đơn vị cho phục viên về sinh sống cùng gia đình tại xã Văn Yên. Về đời thường, với ý chí và nghị lực của người lính, không cam chịu đói nghèo, anh đã tìm cách phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình.
Một mình vừa lo toan mọi việc của đại gia đình, dựng vợ gả chồng cho các em anh vừa nghĩ cách làm kinh tế. 30 tuổi anh lập gia đình riêng. Năm 1982, anh chị sinh được 5 người con. Đông con, nhu cầu cuộc sống cho gia đình ngày càng lớn mà công HTX lại thấp, vì thế cuộc sống trở nên túng bấn. Đất nước sau chiến tranh rất cần lương thực, bởi vậy vừa tham gia công điểm HTX, anh vừa tính chuyện vào chân núi Tam Đảo khai hoang… Ban ngày làm việc xã hội, sớm tối, anh cùng gia đình phát nương làm bãi trồng rừng, ngô, sắn… để đổi lương thực lấy vật dụng hằng ngày. Ròng rã nhiều năm, anh và gia đình khai phá được 19,5 ha đất rừng, trồng được nhiều hoa màu, con cái được học hành đầy đủ. Năm 1992, tích lũy đươc một ít vốn, thấy trước được nhu cầu thực phẩm của thị trường, đồng thời để tận dụng được điều kiện sẵn có của thiên nhiên anh thuê người để đào ao, thả cá. Tiếp đó, anh mua thêm bò, dê về thả trên đồi, rừng. Đến năm 2002, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm của xã hội ngày cao, anh chị quyết định xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, nuôi hàng nghìn con lợn nái, lợn thịt các loại. Chất thải chăn nuôi được xử lý bằng hầm bioga, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng nguồn năng lượng cho sinh hoạt. Tất cả tạo thành một mô hình VACR khép kín. Từ năm 2011, anh còn nhận chăm sóc và bảo vệ 40ha rừng Tam Đảo. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10-15 lao động, với mức lương ổn định trên 3 triệu/người/tháng.
“Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Lời dạy của Bác, cả cuộc đời chưa bao giờ anh quên. Ở cái tuổi 20 phơi phới sức xuân ấy, không ngại hiểm nguy, anh xung phong ra chiến trận, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tổ quốc. Anh kể: Tôi xung phong ra chiến trường bởi tôi tin vào câu nói của Bác “không có việc gì khó”, tin kháng chiến sẽ thành công, đất nước sẽ độc lập nếu cả dân tộc cùng chung lưng đấu cật. Trong chiến đấu, chúng tôi luôn nhắc nhau “còn sống là còn chiến đấu”. Bởi thế, đồng đội tôi luôn một lòng kháng chiến, bền bỉ, dẻo dai… Rồi, khi về giữa đời thường, anh vẫn mang trong mình nhiệt huyết của người lính năm xưa, vượt lên gian khó xây dựng kinh tế gia đình và tiếp tục cống hiến sức mình cho xã hội. Từ khi về địa phương, anh được nhân dân tin tưởng, giao nhiều trọng trách liền như: Trưởng xóm, Chủ tịch hợp tác xã, công an viên… Ở cương vị nào anh cũng luôn là người đi đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Vươn lên từ nghèo khó, anh càng cảm thông với đồng đội, bà con còn khó khăn. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho vay không lấy lãi để mọi người cùng phát triển, xóa đi cái đói, cái nghèo. Anh luôn nhắc nhở các con, sống phải có tình có nghĩa, lá lành đùm lá rách. Anh bảo: “Sống mà chỉ biết chăm lo cho gia đình mình thì thật vô vị. Ta giàu thì xã hội cũng phải đi lên...”. Những năm qua, gia đình anh đã đóng góp hàng chục triệu đồng để làm đường và xây dựng nhà văn hóa xóm. Đơn cử như, đầu năm 2011, xóm nhiều lần họp dân để bàn chuyện mở đường ra nghĩa trang nhưng không thành do 2 hộ có ruộng không chịu di chuyển đi nơi khác. Thấy vậy, anh đã góp ý với trưởng xóm, đổi đất ruộng nhà mình cho 2 nhà kia, sau đó, lấy đất đó hiến cho xóm làm đường…
Tâm sự với chúng tôi, anh nói: “Tôi cũng còn phải cố gắng nhiều, nhưng cũng thấy tự hào bởi chất lính trong mình vẫn luôn rực cháy. Dù có thế nào đi nữa, tôi, người thân trong gia đình sẽ luôn sống học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”.
Chia tay anh, tôi tin trong con người chất phác ấy vẫn luôn sáng mãi phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ!