Vì cộng đồng, vì trách nhiệm với xã hội, những người làm công tác môi trường sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình …
Nhờ một niềm tin
Ông Đặng Văn Phúc (74 tuổi) hiện đang là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vụ vệ sinh môi trường Hưng Phúc (thị trấn Đu, Phú Lương) là người đã gắn bó với công việc vệ sinh môi trường đến độ say mê. Cống hiến cả chục năm trong binh nghiêp, rồi tham gia nhiều vị trí công tác khác nhau, trở về quê hương, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội. Duyên cớ đến với “nghiệp” môi trường của ông xuất phát từ niềm trăn trở của bản thân với những bức xúc của nhân dân khu vực thị trấn Đu, bởi tình trạng rác thải tràn ngập khắp nơi mà không được thu gom, vận chuyển. Không chút đắn đo, ông nộp đơn xin được làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, với suy nghĩ giản dị là mong muốn đóng góp chút gì đó cho quê hương, cho cộng đồng.
Năm 2001, ông tập hợp được 6 người (đa số có hoàn cảnh khó khăn, đang thiếu việc làm) để thành lập Tổ Vệ sinh môi trường thị trấn Đu. Với mức thu 3.000 đồng/hộ dân/tháng, những tháng đầu “doanh thu” của Tổ đạt trung bình 750 nghìn đồng/tháng, trong khi đó tiền thuê xe vận chuyển hết 600 nghìn đồng, vậy là “ông chủ” phải bỏ tiền nhà ra để trả lương cho người lao động (theo đúng cam kết là 200 nghìn đồng/người/tháng). Thời điểm đó, thị trấn chưa có quy hoạch bãi rác nên ông đã phải cất công đi “ngoại giao” tìm chỗ đổ rác, có lần xe chở rác của ông bị người dân thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) phạt 200 nghìn đồng vì tội… “chở rác qua địa bàn”. Sau khi được thị trấn Đu giao hai khu đất làm bãi rác, ông bỏ thêm tiền nhà ra để cải tạo đường vào và bờ chắn (tổng cộng gần 5 triệu đồng). Số tiền thu dịch vụ hằng tháng thường không đủ chi, các khoản chi bù lỗ được ông trích từ số lương hưu ít ỏi của mình (trên 1 triệu đồng/tháng), cộng với số tiền có được từ việc ông chăn lợn, nuôi gà và cả vay ngân hàng.
Trên đà phát triển của Tổ Vệ sinh môi trường thị trấn Đu, năm 2006 ông Đặng Văn Phúc thành lập HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Hưng Phúc. Hiện nay, với 7 lao động, HTX đảm nhiệm thu gom và vận chuyển rác thải cho 546 hộ dân và 19 cơ quan trên địa bàn. Thu nhập trung bình của người lao động đạt gần 2 triệu đồng/người/tháng, trong khi Chủ nhiệm Đặng Văn Phúc vẫn không ít lần phải bỏ tiền nhà ra để bù các khoản lỗ (bản thân ông được lĩnh khoản “thù lao” đầu tiên từ tháng 9- 2011). Hiện ông đang ấp ủ nhiều ý tưởng về vấn đề môi trường, như: Biến rác thành những sản phẩm hữu ích; cách bố trí các thùng đựng rác để người dân tự có ý thức phân loại rác thải, hoặc sẽ xây dựng hệ thống lọc nước thải cống rãnh… Ông chia sẻ: Dù biết sẽ còn gặp nhiều khó khăn, kể cả “rào cản” từ phía người thân trong gia đình, nhưng trong tôi luôn có niềm tin vào sự thành công từ công việc mình đang làm, đó là công việc có ý nghĩa.
Vì cộng đồng
Đó là danh hiệu mà nhiều người đặt cho ông Vũ Hồng Châu (63 tuổi) Chủ nhiệm HTX Môi trường Trung Thành (huyện Phổ Yên). Trước khi vận động một số người tâm huyết và đứng ra thành lập HTX Môi trường Trung Thành vào năm 2009, ông Vũ Hồng Châu cùng 2 cán bộ hưu trí khác thành lập Tổ Môi trường xóm Thanh Xuyên 4, xã Trung Thành. Lúc đó do có ít hộ tham gia ký hợp đồng thu gom rác nên số tiền thu được của Tổ thường không đủ tiền thuê xe vận chuyển rác (180 nghìn đồng/tháng) chứ chưa nói gì đến tiền công của tổ viên, ông lặng lẽ bỏ tiền của nhà ra bù vào số đó, trong khi kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả. Người thân phản đối ông tham gia việc này vì cả lý do kinh tế lẫn sức khỏe của ông.
Sau một quá trình vận động, năm 2010, HTX Môi trường Trung Thành được giao đất làm trụ sở. Vì HTX không có vốn tích lũy nên ngoài số tiền được ủng hộ, ông Vũ Hồng Châu đã thuyết phục gia đình để được mang “bìa đỏ” của nhà đi thế chấp với ngân hàng, vay được 50 triệu đồng nhằm hỗ trợ thêm chi phí xây dựng Trụ sở HTX (công trình có tổng trị giá trên 300 triệu đồng). Nhớ lại khoảng thời gian mới thành lập HTX, ông nói: Chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn do thiếu vốn (thu thường chỉ đủ chi, không có tích lũy), trang thiết bị thiếu trầm trọng. Nhiều người dân không hiểu ý nghĩa công việc này nên chây ỳ, không chịu nộp phí, hoặc cò kè mặc cả mức thu…. Để bảo đảm mức lương cam kết với người lao động, để họ yên tâm gắn bó với công việc này, ông luôn có một khoản dự phòng từ tiền nhà để sẵn sàng bù vào mỗi khi thiếu hụt, bản thân ông có khi nhiều tháng liền không có thu nhập.
Hiện tại, HTX Môi trường Trung Thành có 13 xã viên, với mức thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/tháng, tất cả đều được đóng bảo hiểm xã hội. Địa bàn hoạt động của HTX ngày càng mở rộng, từ 1 xã Trung Thành, nay là 5 xã của huyện Phổ Yên, với 7 km đường Quốc lộ 3, trung bình mỗi ngày HTX thu gom, vận chuyển 15 m3 rác thải. Ông Chủ nhiệm Vũ Hồng Châu- người vì cộng đồng đã và đang là một tấm gương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho xã viên và người lao động của HTX…
Và những điều trăn trở
Cả ông Đặng Văn Phúc và ông Vũ Hồng Châu, những người vì môi trường, vì cộng đồng - xin được trân trọng gọi họ như vậy đều bày tỏ sự tâm đắc nhất định với những thành quả có được từ công việc họ đang làm, như: Góp phần làm cho môi trường trong lành, sạch đẹp hơn; tạo công ăn việc làm cho những người gặp khó khăn; nhận được sự tín nhiệm cùng những tình cảm của người dân, khách hàng của họ… nhưng họ cũng đang có không ít nỗi băn khoăn, trăn trở. Đó là: Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với loại hình HTX môi trường chưa thỏa đáng; việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gần như không thể do các điều kiện thế chấp; tình trạng “rác mồ côi”, rác xả bừa bãi do ý thức của một bộ phận dân cư về vấn đề môi trường chưa tốt còn phổ biến; việc tìm những người kế nhiệm có đủ tâm huyết, bản lĩnh và năng lực để tiếp quản công việc này…