Tận tụy lo việc chung

10:27, 21/09/2012

Đến xóm Làng Vàng (Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên), hỏi chuyện ông Bàng Văn Dướng, người dân tộc Nùng, chúng tôi được nghe nhiều người nói vui: Bàng Văn Dướng làm Trưởng xóm, “nó” biết lo cho cái việc chung, biết giúp đỡ mọi người nên ai cũng quý trọng.

Nhà ông Dướng ở cuối con đường nhỏ, đất cát lầm bụi, rất khó đi. Nhưng từ lâu nhà ông đã trở thành một địa chỉ thân thiết cho nhiều bà con lui tới trao đổi chuyện mùa vụ và cả việc riêng của gia đình. Điều đặc biệt ở ông là dù có bận đến mấy, song có ai cần nhờ giúp việc gì, ông sẵn lòng gác việc riêng để giúp đỡ.

 

Cũng có lúc vợ con cằn nhằn, bảo ông hay trễ nải việc nhà để ôm đồm toàn “việc cha chung”, khi ấy ông bảo: Thật ra, việc tôi làm bà con đã nghĩ tới. Mà tôi chỉ nói lời đại diện để tập hợp mọi người lại thành sức mạnh, cùng nhau xây dựng Làng Vàng trở nên no ấm hơn.

 

Xóm Làng Vàng có 76 hộ, chủ yếu là các dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu… từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư về từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Bấy giờ vùng đất này hoang vắng, chỉ có cây rừng và chim muông, lác đác có mấy hộ hạ sơn về đây sinh sống. Cùng thời gian, người sinh sôi, Làng Vàng mở rộng thêm, nhưng cái nghèo thì đeo bám vào từng giấc ngủ người già vì đồng đất không thuận nước tưới, cây lúa cấy ngoài đồng được, mất phụ thuộc vào thiên nhiên. Ông Dướng ngày nhỏ cũng như đám trẻ của Làng Vàng thường phải ăn cơm độn ngô, sắn. Sau này đi bộ đội về (1982), có lần bưng bát cơm độn, ông Dướng phỏng đoán: Chắc ngày trước các cụ quanh năm bưng bát cơm độn đỏ ngô thì đặt tên xóm là Làng Vàng.

 

Nghĩ mãi cũng thấy chín, ông Dướng bảo với mọi người phải cố gắng để xóm trở thành một Làng Vàng no ấm hơn. Nghe thế, nhiều người vặn lại: Tôi cũng thích trong nhà có nhiều ngô, lúa; trong chuồng có nhiều lợn, gà dê, bò… nhưng phải làm như thế nào? Ông Dướng giải thích: Người miền xuôi làm lúa tốt nhờ có thủy lợi; làm chăn nuôi giỏi nhờ có kinh nghiệm, mình học người ta mà làm thôi.

 

Thấy ông Dướng nói phải lý, bà con đề nghị ông đứng ra đại diện đi vận động mọi người đóng góp xây dựng hệ thống thủy lợi. Lúc đó năm 1999, xóm được Nhà nước hỗ trợ xi măng, gạch để xây dựng hơn 300m mương chính dẫn nước tưới cho lúa, màu. Để hoàn thành công trình thủy lợi này, bà con Làng Vàng phải đối ứng ngày công lao động và cát xây dựng. Ông đưa kế hoạch xây dựng mương, mức đóng góp của từng hộ ra bàn trước cuộc họp xóm và được nhất trí cao. Gần 40 hộ thuộc diện kinh tế khó khăn, ông đứng ra chịu trách nhiệm trước Ngân hàng Chính sách - Xã hội để bảo lãnh vay cho bà con có tiền đóng góp. Ngay sau khi công trình được xây dựng hoàn thành, các cánh đồng: Gốc Bay, Gốc Si, đồng Eo và đồng Nát… đã chủ động được nước tưới. Nhờ vậy năng suất lúa đã tăng từ 150kg/sào lên 180kg/sào.

 

Có nước tưới thuận lợi, ông Dướng vận động bà con tận dụng đất làm thêm lúa vụ xuân và cây ngô vụ đông. Vì thế người Làng Vàng không chỉ đủ lương thực, mà còn có ngô để dành phục vụ chăn nuôi. Đời sống kinh tế ổn định, bà con có điều kiện hơn khi tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

 

Năm 2002, ông Dướng được bà con bầu làm Trưởng xóm. Để các hoạt động đi vào nền nếp, ngoài quy ước, hương ước chung, ông Dướng suy nghĩ và đề ra một số quy định có nội dung rất cụ thể, như việc gia đình nào không họp xóm, không lao động vệ sinh môi trường do xóm phát động, nhà nào đánh chửi nhau mà Ban hòa giải xóm không giải quyết được, phải đưa lên xã, nộp 2 kg gạo…/lần. Gạo, thóc được quy đổi thành tiền theo giá thị trường tại thời điểm để sử dụng cho việc chung. Quy định này của ông Dướng được bà con đồng tình ủng hộ. Ông Dướng bảo: Thật ra đây chỉ là cách “đánh” vào lòng tự trọng của mọi người, ví như mình “gãi được đúng chỗ ngứa” thì mọi người mới nghe, mới hưởng ứng và vào cuộc tích cực.

 

Do tận tụy với công việc làng xóm, nên ông Dướng được sự đồng thuận của mọi người dân Làng Vàng. Khi thấy đường điện rối như mạng nhện, đèn điện đỏ như đom đóm, ông vận động mọi người cùng đóng góp tiền mua cột bê tông, mua dây dẫn rồi cùng nhau kéo đường điện mới về tận từng nhà. Ông bảo: Lúc đó năm 2003, chuyện xưa rồi, mình chỉ làm đúng cái điều bà con mong đợi.

Làm xong đường điện, ông Dướng lại họp dân, bảo: Cái đường đi trong xóm và đường ra đồng lầy lội, nhiều chỗ cỏ mọc chắn lối không đi được, bà con ta có nên cùng nhau làm lại không? Mọi người reo lên: Phải làm chứ, nhưng làm như thế nào?... Vậy là ông Dướng lại đưa ra kế hoạch tu sửa đường, cứ nhằm lúc nông vụ thư nhàn là hò nhau mỗi nhà 1 người, mang cuốc, xẻng, quang gánh đi làm đường, vui như ngày hội. Nhiều đoạn đường lầy lội được san lấp lại, những khúc cua khuất tầm nhìn đước các hộ tự nguyện làm lùi lại bờ rào, những chỗ có nước chảy qua đường được làm cống thoát nước chắc chắn. Ông Dướng nhẩm tính: Ngoài hơn 700 ngày công lao động, bà con còn đóng góp được hơn 700 nghìn đồng để mua cát, sỏi, xi măng làm các tầm cống qua đường.

 

Khi mỗi lần họp xóm đều phải mượn nhà dân, thấy không tiện lắm, ông Dướng lại bàn với bà con việc đóng góp xây dựng nhà văn hóa làm nơi hội họp. Ý tưởng ông nêu ra, nhiều người cao tuổi bảo: Bàng Văn Dướng “nó” luôn nghĩ trúng cái bụng mình - Mình hưởng ứng. Vậy là bằng số tiền đóng góp 50.000 đồng/khẩu, từ cuối năm 2005, người Làng Vàng đã có một ngôi nhà văn hóa rộng 90 m2 làm nơi hội họp.

 

Có đêm nằm không ngủ, ông Dướng nghĩ: Các công trình cần thiết của Làng Vàng là thủy lợi, giao thông, điện, nhà văn hóa đã cơ bản làm xong. Nhưng số hộ nghèo còn nhiều, nên hằng ngày ông đến với các gia đình còn khó khăn về kinh tế như gia đình ông Bàng Văn Việt, bà Hứa Thị Xuyến và gia đình ông Nông Văn Thanh… để bày cách quy hoạch vườn bãi, cách sử dụng đồng tiền vốn đầu tư cho chăn nuôi trâu sinh sản và lợn nái. Ông Dướng bảo: Các gia đình này đã có nhiều nỗ lực vươn lên, chắc chắn hết năm 2012 này, họ sẽ được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

 

Không chỉ năng động trong huy động sức dân, bản thân ông Dướng còn là người tích cực giúp đỡ những hộ nghèo trong xóm kinh nghiệm sản xuất, cho vay tiền không lấy lãi để đầu tư phát triển sản xuất. Những năm gần đây, ông trực tiếp đứng ra ký cam kết với Công ty Vật tư Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) để ứng trước phân bón, giống lúa, ngô cho nông dân sản xuất kịp mùa vụ.

 

Ông Dướng bảo: Người đồng bào mình không tính toán mỗi năm làm ra được  bao nhiêu tiền, chỉ áng chừng mức thu nhập bình quân hiện nay đạt 17 triệu đồng/người/tháng. Còn như nhà mình có 10 sào ruộng, 5 sào màu, mỗi năm làm ra 3,6 tấn thóc và 7 tạ ngô hạt, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà, lợn. Kinh tế của nhà chưa phải dư dật, nhưng nhiều hộ trong xóm được mình giúp gạo, ngô và tiền mặt để ổn định cuộc sống.

 

10 năm làm trưởng xóm, ông Dướng góp phần làm đổi thay bộ mặt một làng quê. Số hộ nghèo cũng đã giảm từ 64% năm 2002 (lúc ông được bầu làm trưởng xóm), đến nay còn 10,5%. Cũng từ ngày làm Trưởng xóm, ông tích cực vận động các cặp vợ chồng tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nghe ông nói phải lý, nhiều cặp vợ chồng sinh con 1 bề đã bảo nhau hưởng ứng để nuôi dạy con tốt. Vì thế 10 năm nay, Làng Vàng không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

 

Như người trải đời nhâm nhi niềm hạnh phúc, ông Dướng nói chậm dãi: Năm 2012 này, Làng Vàng đã có 1 trường hợp đỗ tốt nghiệp đại học. Còn bản thân tôi cũng vừa thiết kế xong tuyến đường bê tông ở trung tâm xóm. Toàn tuyến đường dài 1,2km, dày 20cm, rộng 3m, mỗi bên để lề rộng 1m. Tôi xây dựng bản thiết kế nâng cấp đường bê tông để trình với UBND xã xin Nhà nước hỗ trợ. Tôi cho rằng: Dân mình chủ động chuẩn bị sẵn mặt bằng, khi được Nhà nước hỗ trợ, việc thi công tuyến đường sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.

 

…Chia tay ông Dướng, trên suốt dọc đường về, tôi mang theo ao ước các khu dân cư của tỉnh, có nhiều trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố năng động, nhiệt tình và hiểu được lòng dân, làm “trúng bụng dân” như Trưởng xóm Bàng Văn Dướng.