Nhờ những nỗ lực và sáng tạo trong học tập cũng như các phong trào Đoàn, Hội, vừa qua, 3 sinh viên của Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên là Đặng Thị Lan, Phạm Thuỳ Trang (Khoa Lịch Sử, K50) và Nguyễn Thu Huyền (Khoa Ngữ Văn, K50) đã vinh dự là 3 trong 12 sinh viên của Đại học Thái Nguyên nhận được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương do Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng. Riêng Đặng Thị Lan đồng thời là 1 trong 6 sinh viên của Đại học Thái Nguyên nhận được giải thưởng “Sao Tháng Giêng”.
Thành công nhờ phương pháp học khoa học
Một trong những tiêu chí quan trọng để đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương đó là điểm trung bình học tập cả năm phải đạt trên 3.4 (tức là mức đạt học lực xuất sắc) đối với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ. Để đạt được mức điểm này không phải là điều đơn giản đối với đa số sinh viên ở các trường đại học hiện nay.
Tuy nhiên khi nghe chia sẻ về thành tích học tập của Phạm Thuỳ Trang, chúng tôi đã không khỏi ngưỡng mộ về cô sinh viên này. Với niềm đam mê nghiên cứu về lịch sử dân tộc, Trang đã quyết định học ngành Lịch sử. Ngay từ năm đầu Đại học, Trang đã xác định phải học tập nghiêm túc để trang bị đủ kiến thức cho công việc của mình sau này. Với đặc thù môn học có khối lượng kiến thức, dữ liệu thông tin lớn, việc nhớ đủ và đúng rất khó, chính vì thế, Trang đã tự đặt ra phương pháp học khoa học để đạt hiệu quả cao.
Trang chia sẻ: “Tại buổi học trên lớp, em luôn tập trung nghe giáo viên giảng bài và ghi lại các ý chính. Đến đợt thi cuối kỳ, em chỉ cần hệ thống lại những nội dung đã ghi chép và học lại một lượt. Ngoài ra, trước khi bắt đầu mỗi môn học, khi cô giáo chia sẻ về những tài liệu có thể tham khảo thêm ngoài giáo trình, em đều tìm mua để trau dồi và bổ sung kiến thức vào mỗi bài thi, bài kiểm tra. Nhờ đó, từ năm nhất đến nay, kỳ học nào em cũng đạt kết quả cao, với trung bình môn đều đạt trên 3.4”.
Phương pháp học tập khoa học cũng được sinh viên Nguyễn Thu Huyền, Đặng Thu Lan áp dụng ngay từ những năm đầu tiên ngồi trên ghế giảng đường đại học. Nguyễn Thu Huyền cho biết: “Ngữ văn là một ngành học có lượng kiến thức lớn và khá dài dòng, đòi hỏi người học phải có khả năng nhớ và phân tích, đánh giá các tác phẩm văn học tốt. Chính vì thế, để có thể học tập hiệu quả, bên cạnh việc tập trung nghe giảng trên lớp, em luôn làm sơ đồ tư duy để ôn bài tại nhà. Nhờ đó, đến mỗi kỳ thi, em không mất quá nhiều thời gian để học”.
Trong khi ở năm đầu đại học, đa số các bạn cùng lớp đều gặp khó khăn để làm quen với phương pháp học ở môi trường đại học thì Huyền đã tự nghiên cứu và lập ra kế hoạch học tập riêng cho bản thân. Bên cạnh đó, nhận thấy, nhiều bạn cùng lớp gặp khó khăn để làm quen với cách học ở cấp đại học nên với vai trò là lớp trưởng, Huyền cũng thường xuyên chia sẻ phương pháp học tập này với các bạn trong lớp tại các hoạt động ngoại khoá hoặc học nhóm.
Sinh viên Lê Thị Thuý, học cùng lớp với Huyền cho biết: “Sự nỗ lực không ngừng trong học và hoạt động Đoàn, Hội của bạn Huyền đã truyền động lực cho em rất nhiều. Dù đạt được nhiều thành tích cao trong học tập nhưng bạn ấy cũng không hề tự cao mà luôn nhiệt tình giúp đỡ em và bạn bè trong lớp mỗi khi gặp khó khăn trong việc học. Nhờ vây, từ một sinh viên nhút nhát, có học lực trung bình, nay học kỳ nào em cũng được xếp loại học lực khá, giỏi và tự tin tham gia các phong trào của Nhà trường.”
Đi đầu trong phong trào Đoàn, Hội
Quá trình phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” chính là điều kiện và môi trường cho mỗi sinh viên được phát huy toàn diện khả năng của bản thân. Bởi lẽ, ngoài điều kiện về kết quả học tập, mỗi sinh viên cần phải tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội và hội nhập tốt. Xác định danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là một trong những mục tiêu cần phấn đấu trong những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, ngay từ năm đầu đại học, sinh viên Đặng Thị Lan đã luôn cố gắng học tập và luôn đi đầu trong mọi công tác Đoàn, Hội.
Để có thể cân bằng giữa việc học và hoạt động phong trào, Lan đều lên kế hoạch cụ thể từng nhiệm vụ, việc nào quan trọng thì làm trước và luôn hoàn thành đúng tiến độ. Hàng năm, mỗi khi bước vào Tháng Thanh niên hoặc đợt tình nguyện của Trường, Lan luôn chủ động cùng các sinh viên khác trong Khoa, Hội Sinh viên đề xuất ý tưởng tổ chức các chương trình thật ý nghĩa và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, với chức vị là Phó Bí Thư Liên chi đoàn, Liên chi Hội trưởng Liên chi hội, ngoài trách nhiệm nêu gương, sinh viên Đặng Thị Lan luôn nỗ lực vận động và kêu gọi các bạn sinh viên khác tích cực tham gia các phong trào. Lan tâm sự: Đa phần các bạn sinh viên hiện nay khá thụ động, không tích cực tham gia hoạt động, vì thế việc huy động nguồn nhận lực tại nhiều chương trình khá gian nan. Do vậy, em thường xuyên trao đổi với các bạn chi hội trưởng của từng lớp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khúc mắc, khó khăn mà mỗi chi hội gặp phải. Từ đó, giúp mỗi chi hội trưởng luôn giữ được nhiệt huyết, tình thần để khơi dậy phong trào Đoàn, Hội tới các thành viên khác trong lớp.
Cùng nhận định với Đặng Thị Lan, với vai trò là lớp trưởng của một tập thể hơn 90% là nữ giới, sinh viên Nguyễn Thu Huyền cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nhân lực và kết nối các cá nhân trong các hoạt động Đoàn, Hội. Huyền kể: Có nhiều hoạt động do Khoa và Trường tổ chức, mỗi khi phát động thì có nhiều cá nhân ngại không tham gia. Mỗi lần như vậy, em đều tổ chức sinh hoạt lớp để phân tích những ưu, nhược điểm và lợi ích mang lại của các hoạt động này. Ngoài ra, em cũng thường xuyên trò chuyện với các bạn để kêu gọi đồng thời cả 1 nhóm những người hay chơi với nhau tham gia hoạt động để họ tự tin và có động lực hơn.
Thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của các cán bộ Đoàn, Hội trong Trường, chị Nguyễn Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm cho biết: Bên cạnh những nỗ lực không ngừng trong rèn luyện đạo đức, trau dồi kiến thức căn bản, những năm vừa qua, cả 3 bạn sinh viên đều là những cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Hội trách nhiệm và tích cực trong việc thúc đẩy phong trào Đoàn, Hội của Trường và Chi đoàn, là tấm gương sáng có ảnh hưởng tích cực đến đông đảo sinh viên. Hơn thế, với việc tham gia công tác quản lý ở các chi đoàn, chi hội hay liên chi… các bạn cũng tích cực đóng góp ý kiến, cùng lên ý tưởng tổ chức hoạt động, tạo môi trường và phong trào học tập, rèn luyện sôi nổi cho đoàn viên thanh niên, hội sinh viên Nhà trường. Nhờ đó, cả 3 bạn đều đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường trong nhiều năm; được tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm 2017-2018 của Hội Sinh viên trường và nhiều chứng nhận tham gia hoạt động xã hội trong nước và quốc tế.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn trò chuyện với sinh viên Đặng Thị Lan, Phạm Thuỳ Trang và Nguyễn Thu Huyền nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sự tự tin, trưởng thành của các bạn trong cách nói chuyện, ứng xử. Chia sẻ về những danh hiệu vừa nhận được của Hội Sinh viên Việt Nam, các bạn cho biết: Qua nhiều năm phấn đấu, những danh hiệu này giúp chúng em có thêm động lực để tiếp tục cống hiến sức trẻ trong các phong trào Đoàn cũng như hoạt động xã hội. Ngoài ra, đây cũng là hành trang cho công việc của chúng em trong tương lai.