33 năm đảm đương vai trò Trưởng xóm Cầu Cong, nơi có đông người dân tộc nhất xã Tân Khánh (Phú Bình), ông Đặng Văn Hồng (sinh năm 1964, người dân tộc Sán Dìu) luôn được người dân tin yêu bởi sự nhiệt tình, gương mẫu trong các phong trào chung của địa phương, nhất là trong việc phát triển kinh tế.
Từ hai bàn tay trắng… đến triệu phú rừng
Chúng tôi tìm đến xưởng bóc, ép ván gỗ được coi là quy mô lớn nhất, nhì xã Tân Khánh của gia đình ông Hồng. Xưởng có diện tích trên 7.000m2 nằm ngay sát đường tỉnh 269C, tại khu vực xóm Cầu Ngầm, Na Ri. Bên chén trà thơm nóng, ông Hồng, người đàn ông ngoài ngũ tuần có nước da đen sạm, nụ cười hiền hậu kể cho chúng tôi nghe về con đường phát triển kinh tế của ông. Ông bảo: Năm 1986, tôi được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Đến năm 1991, Nhà nước triển khai chương trình PAM phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, có hỗ trợ gạo và cấp cây giống, phân bón cho người trồng. Tuy nhiên, nhiều người dân còn e dè chưa muốn tham gia. Với trách nhiệm là người đứng đầu xóm, tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng 0,5ha rừng keo. Tôi nghĩ để làm cho người dân tin tưởng và làm theo thì bản thân mình phải tiên phong làm mẫu...
Với suy nghĩ đó, ông Hồng nỗ lực bám rừng, áp dụng đúng các kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích rừng keo của gia đình ông phát triển xanh tốt. Thấy vậy nên người dân trong xóm đã tin tưởng và làm theo. Để thuận tiện cho người dân kịp thời có cây giống, ông Hồng đã đăng ký với ngành chức năng làm vườn ươm keo giống. Sau một thời gian, việc trồng rừng đã trở thành “thói quen”, tạo sinh kế cho người dân nơi đây ngay cả khi chương trình PAM kết thúc. Đến nay, gia đình ông Hồng đã có 17ha rừng, là hộ có nhiều đất rừng nhất xã Tân Khánh; toàn bộ 120ha đất rừng xóm Cầu Cong đã được phủ xanh, không còn tình trạng bỏ trống, vắng bóng người qua lại như trước.
Cùng với trồng rừng, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Hồng tích cực phát triển kinh tế gia đình, vận động bà con đưa những cây, con giống phù hợp với điều kiện của địa phương như: chăn nuôi gà đồi, bò, dê; trồng các giống lúa lai, các cây trồng ngắn ngày có năng suất, giá trị kinh tế cao… Ngoài ra, ông còn mua ô tô để kinh doanh dịch vụ vận tải… Đến năm 2014, trước tình trạng tư thương ép giá hàng lâm sản của bà con trong vùng, ông Hồng đã dùng nguồn vốn tích cóp đầu tư xây dựng xưởng bóc, ép gỗ và mua sắm máy móc trị giá hàng tỷ đồng, đứng ra bao tiêu lâm sản cho người dân trong vùng. Hiện nay, nguồn nguyên liệu chủ yếu của xưởng là cây mỡ và cây keo, ngoài việc thu mua tại địa phương, xưởng cũng nhập thêm từ các tỉnh khác. Xưởng tạo viêc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ hoạt động sản xuất đạt vài trăm triệu đồng... Là một trong những công nhân làm việc được gần 5 năm tại xưởng, anh Vũ Duy Thảo chia sẻ: Tôi rất may mắn vì đã được chú Hồng dạy nghề và nhận vào làm việc tại đây, hiện mức lương của tôi là 10 triệu đồng/tháng. Được làm gần nhà, gần gia đình nên ngoài thời gian ở xưởng, tôi vẫn có điều kiện để tăng gia sản xuất.
Người trưởng bản có uy tín
Cầu Cong là xóm 135, cách trung tâm xã Tân Khánh khoảng 4km. Hiện xóm có 78 hộ dân với 378 nhân khẩu, trong đó chiếm 95% là người dân tộc Sán Dìu. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm luôn chiếm trên 60%, nhưng đến nay đã giảm còn 19%, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Có được kết quả này, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương thì còn có sự đóng góp công sức không nhỏ của ông Hồng… Đó là những lời chia sẻ của người dân nơi đây khi nhắc đến người trưởng xóm có uy tín lâu năm của xóm.
Đến xóm Cầu Cong thời điểm này, chúng tôi nhận thấy toàn tuyến đường trục chính đã được đổ bê tông, đảm bảo thuận lợi cho các hoạt động giao thông, giao thương; xóm có nhà văn hóa khang trang phục vụ tốt cho người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao. Đời sống người dân đã từng bước được nâng lên, hiện thu nhập bình quân của người dân đạt 20 triệu đồng/người/năm; 100% các hộ dân đều có phương tiện giao thông, thiết bị nghe nhìn; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, số hộ khá giả tăng lên, hiện chiếm tỷ lệ 30%... Chia sẻ niềm vui này với chúng tôi, chị Tô Thị Oanh, một người dân trong xóm cho biết: Là xóm 135 nên người dân chúng tôi được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trước kia, do kinh tế còn khó khăn nên người dân chúng tôi thường hay trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ. Nhưng được cán bộ xóm tuyên truyền vận động, đặc biệt là được Trưởng xóm Đặng Văn Hồng hướng dẫn nhiệt tình mà người dân chúng tôi đã thay đổi cách nghĩ, chủ động nắm bắt cơ hội, nỗ lực vươn lên. Khi có kinh tế, chúng tôi đã đối ứng trên 1 tỷ đồng, hiến gần 2.500m2 đất để làm các tuyến đường nhánh trong xóm...
Nhiều năm qua, xóm Cầu Cong đều đạt danh hiệu xóm văn hóa; trung bình mỗi năm có trên 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhiều tục lệ trong nhân dân được coi là “hủ tục” và đã được loại bỏ. Đơn cử như trước kia, trong đám hỷ hay đám hiếu, người dân xóm Cầu Cong thường làm cỗ to, kéo dài ngày, đặc biệt là đám hiếu, gia chủ làm lễ cúng thường tổ chức mời cơm tất cả khách đến phúng viếng, rất tốn kém... Theo ông Nguyễn Xuân Bộ, cán bộ văn hóa xã Tân Khánh: Những năm gần đây, người dân xóm Cầu Cong đã dần bỏ “hủ tục” này, thực hiện đúng chủ trương phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh. Để có được điều này, một phần là nhờ đội ngũ cán bộ xóm, trong đó có ông Hồng đã làm tốt công tác tham mưu với chính quyền xã, thực hiện nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng cho bà con nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp tích cực, năm 2014, ông Hồng đã được UBND tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2009-2014; năm 2017, ông là đại diện duy nhất của huyện Phú Bình được tham gia Chương trình gặp mặt các già làng, trưởng bản, đảng viên tiêu biểu toàn quốc tại Phủ Chủ tịch.