Khởi nghiệp chỉ với số vốn ít ỏi, anh Nguyễn Văn Mạc (sinh năm 1984), thôn Hảo Sơn, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) không chỉ xây dựng thành công trang trại tổng hợp với quy mô 10.000m2 mà còn được nhiều người biết đến khi chế tạo thành công máy ấp trứng gia cầm tự động. Anh đã vinh dự được trao giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đi giữa trang trại của gia đình với đa dạng các loại cây ăn quả, rau xanh cùng đàn vật nuôi phát triển ổn định, anh Mạc chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu khởi nghiệp đầy khó khăn, vất vả. Sau khi thi Đại học Nông lâm Thái Nguyên không đỗ, anh đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy rồi chuyển sang làm nghề tự do. Dẫu vất vả nhưng anh luôn cố gắng phấn đấu và tìm hướng đi riêng cho mình. Năm 2010, anh Mạc vô tình biết về mô hình nuôi giun quế. Anh thấy đây là mô hình hay, gà, vịt ăn giun quế vừa tiết kiệm thức ăn chăn nuôi lại có thịt thơm, ngon, an toàn, giá bán cao. Khi đó, trong tay chỉ có vẻn vẹn 500 nghìn đồng, nhưng anh quyết định đến huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mua 2 thùng giun quế giống về nuôi. Thời điểm bắt đầu nuôi rất vất vả, lượng phân làm thức ăn cho giun không đủ, anh phải đi dọc các tuyến đường làng, ngõ xóm để thu gom phân thải của trâu, bò. Dù đã rất cố gắng, song do kinh nghiệm còn hạn chế, chuồng trại chưa đảm bảo nên giun chậm lớn và chết dần. Sau nhiều năm, vừa làm vừa tìm hiểu trên mạng Internet, sách, báo rồi rút kinh nghiệm từ thực tế, đến nay, anh đã làm chủ được kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi giun quế với diện tích hàng trăm mét vuông.
Hiện nay, anh Mạc đã tạo ra chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn. Anh trồng cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, bò rồi sử dụng nguồn phân đó làm thức ăn cho giun quế, lấy giun quế làm thức ăn bổ sung cho khoảng 700 con gà thịt/lứa, 2 ao cá giống (diện tích hơn 1.500m2), làm phân bón cho các loại cây ăn quả (táo, ổi, nhãn...) và rau xanh trong vườn. Từ nhiều năm nay, giun quế là nguồn lợi chính giúp mô hình kinh tế của anh phát triển bền vững, mang lại nguồn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm. Anh Mạc cũng dành riêng một khu vực nuôi giun quế với diện tích 50m2 để làm nơi phổ biến, chia sẻ và trao đổi kỹ thuật cho những nông dân có nhu cầu phát triển mô hình này ở trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ thành công với mô hình chăn nuôi khép kín, anh Mạc còn tự nghiên cứu, sản xuất thành công máy ấp trứng gia cầm tự động rất hữu ích với bà con nông dân, được thị trường đón nhận. Xuất phát từ việc ấp, nở gia cầm của gia đình thường xuyên bị hỏng, năm 2014, anh đã quyết định chế tạo một chiếc máy ấp trứng để khắc phục những hạn chế đó. Anh bắt đầu mày mò, tự nghiên cứu rồi lắp ráp từ những nguyên, vật liệu dễ tìm kiếm như: Ống kẽm làm khung máy, sử dụng nhôm và tôn làm vách máy bên trong và bên ngoài, gỗ tự nhiên làm khay đựng trứng… Anh Mạc chia sẻ: Thời gian ấy, tôi luôn đau đáu với công việc mình làm, có những đêm đang nằm ngủ, chợt nghĩ ra ý tưởng gì đó cho chiếc máy, tôi lại bật dậy rồi hì hụi sửa chữa, căn chỉnh cho đến sáng. Do không có chuyên môn, kỹ thuật nên phải sau nhiều lần chỉnh sửa, cải tiến kỹ thuật, thay đổi thiết kế, tôi mới thành công với chiếc máy ấp trứng gia cầm đầu tiên, công suất 700 trứng/đợt. Sau thời gian sử dụng, nhận được phản hồi tốt từ nhiều người dân, tôi tiếp tục sản xuất những chiếc máy ấp trứng với công suất 200-600 quả trứng/đợt, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 100 máy, dao động từ 3,6-6 triệu đồng tùy kích cỡ. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, anh đã xuất bán ra thị trường 100 máy ấp trứng gia cầm.
So với một số máy ấp trứng ngoài thị trường, loại máy do cơ sở anh Mạc sản xuất có giá thấp, bền, dễ sử dụng, tỷ lệ trứng nở đạt trên 90% và có thể ấp nở đa dạng các loại trứng gia cầm. Để thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh, anh Mạc cũng đã tạo một kênh Youtube trên mạng Internet, qua đó tạo dựng các video, clip hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và cách sử dụng máy ấp trứng an toàn, hiệu quả. Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền, anh được các cấp, ngành địa phương khen thưởng. Đặc biệt năm 2017, anh Mạc vinh dự được Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật; năm 2018 được Tỉnh đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. “Thực hiện lời dạy của Bác đối với thanh niên, ngoài việc chủ động trong lập thân, lập nghiệp, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân, đặc biệt là những thanh niên có chí hướng làm ăn. Đến nay, tôi đã hỗ trợ con giống và kỹ thuật cho hàng chục hộ dân tại các vùng lân cận nhân rộng mô hình nuôi giun quế với diện tích hơn 100m2, đồng thời trang trại của tôi đã tạo việc làm cho 3-5 lao động là thanh niên tại địa phương”, anh Mạc chia sẻ.
Nhận xét về anh Mạc, anh Tạ Hồng Hà, Bí thư Thị đoàn Phổ Yên khẳng định: Với ý chí và nghị lực vươn lên cùng sự kiên trì, ham học hỏi, anh Mạc đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, anh cũng chủ động chia sẻ, định hướng và hỗ trợ nhiều thanh niên và người dân địa phương phát triển kinh tế, đồng thời gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.