Hết lòng vì việc chung

09:45, 18/08/2019

Năng động, nhiệt tình, luôn hết mình vì công việc chung của làng xã… Nhiều cán bộ, nhân dân xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã nói với chúng tôi như vậy về ông Lại Hùng Kim, 57 tuổi, Bí thư Chi bộ miền Đầm Mương.  

Miền Đầm Mương gồm 4 xóm: Đầm Mương 12, Đầm Mương 13, Đầm Mương 14 và Đầm Mương 15, với gần 400 hộ, người dân tộc Sán Dìu chiếm 95%. Dân số đông, địa bàn rộng, nhưng 4 xóm Đầm Mương chung 1 chi bộ Đảng, với 55 đảng viên. Có thể gọi đây là một ngôi nhà lớn của những đảng viên người dân tộc Sán Dìu. Vì từ bao năm nay, đảng viên ở 4 xóm đã quen với nếp sinh hoạt chung ở 1 chi bộ. Để công tác Đảng cũng như việc triển khai các văn bản chỉ đạo, các nghị quyết của Chi bộ “bám rễ” vào đời sống người dân, tại từng xóm lại có 1 tổ Đảng, do ông trưởng ban công tác mặt trận là tổ trưởng. Ông Lại Hùng Kim đúc kết: Về địa giới hành chính, khu vực nhà ở của người dân 4 xóm Đầm Mương được phân định rất rõ. Nhưng do đất đai sản xuất đan xen, từng cánh đồng, khu đồi và hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng phục vụ sản xuất đều có liên quan tới người dân 4 xóm. Nếu là 4 chi bộ khác nhau, sẽ rất khó trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Địa bàn rộng, công việc nhiều, ông Kim và các chi ủy viên phải liên tục “chạy đua” để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ. Nhưng không ai ta thán, phàn nàn vì tâm niệm: Được “đứng mũi, chịu sào” trước các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương là hạnh phúc của cán bộ, đảng viên. Ông Kim là một người như thế: 20 tuổi xung phong đi bộ đội, sau 5 năm được xuất ngũ, trở về địa phương, làm Bí thư Chi đoàn, rồi Phó Bí thư Đoàn xã. Thấy ông năng động, hăng hái, chẳng nề nan việc gì nên bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, khi đó ông 30 tuổi. Thấy ông tích cực, Chi bộ Đảng đã phân công đảng viên giúp đỡ và có định hướng phát triển. Năm 1995, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng và tiếp tục làm một trưởng xóm gương mẫu. Năm 2000, ông được Đảng cấp trên tin tưởng, các đảng viên cơ sở tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.

Nhiệm vụ đặt lên vai, ông Kim biết sẽ vất vả hơn, thậm chí phải gác việc nhà để lo cho việc làng. Rồi mọi suy nghĩ hơn, thiệt chỉ thoáng qua, ông Kim chia sẻ: Là người con của miền Đầm Mương, tôi biết nguyên nhân sâu xa vì sao bao năm nay người dân Sán Dìu chúng tôi vật lộn với đồng đất mà khó, khổ cứ đeo bám. Tôi và các ông chi ủy viên cùng trao đổi, nhận ra các nguyên nhân là do trong cuộc sống người dân còn tồn tại một số phong tục lạc hậu; do thiếu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, vốn đầu tư phát triển kinh tế. Cùng đó là hạ tầng cơ sở như giao thông khó khăn; hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng chưa bảo đảm phục vụ sản xuất. Từ đó, Chi bộ xây dựng các nghị quyết sát thực hơn với thực tế địa phương. Nghị quyết được xây dựng cho cả nhiệm kỳ, cho từng năm và cho từng quý. Và từ Nghị quyết chung, Chi bộ xây dựng nghị quyết chuyên đề, cùng với công tác xây dựng, phát triển Đảng là các nghị quyết về phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở từng khu dân cư. 

Từ việc xây dựng nghị quyết phù hợp với từng giai đoạn và phong tục tập quán của người dân, nên nghị quyết của Chi bộ góp phần đưa miền Đầm Mương từng bước đi qua những năm tháng khó khăn. Từ năm 2015 đến cuối năm 2018, các xóm miền Đầm Mương có 34 hộ thoát nghèo, hiện còn 8 hộ nghèo do tuổi cao, mất sức lao động, đơn thân và vì bị bệnh hiểm nghèo. Ông Cao Hồng Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Đầm Mương 14 cho biết: Từ hơn 10 năm gần đây, miền Đầm Mương đổi thay đáng kể. Nhiều hộ trước đây là hộ nghèo giờ đã thoát nghèo, khá giả, có xe máy, ti vi, nhà xây vững chãi.

Hiện nay, Đầm Mương đã trở thành miền quê tươi đẹp, trù phú bởi đường làng được trải bê tông thoáng rộng, 2 bên đường có hoa đua nở, nhà xây mang dáng dấp vina, biệt thự, nhiều hộ mua sắm được xe ô tô làm phương tiện đi lại, phục vụ sản xuất. Đưa chúng tôi đi thăm các xóm miền Đầm Mương, ông Kim phấn chấn: Mất gần 15 năm kiến thiết, chúng tôi mới xây dựng thành công tuyến đường bê tông này. Với tổng chiều dài hơn 10km, năm 2005 chúng tôi đóng góp 70% kinh phí, Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí để hoàn thiện toàn tuyến. Nhưng đường bê tông bấy giờ chỉ rộng 2,5m. Đến năm 2017, đường được mở rộng lên 5m, trong đó có 3,5m bê tông, Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30%. Để mở rộng tuyến đường, gần 100 hộ bị ảnh hưởng với diện tích đất hơn 5.000m2. Nhằm hỗ trợ các hộ dân hiến đất bớt thiệt thòi, chúng tôi vận động người dân các xóm chia sẻ bằng cách đến giúp ngày công lao động, xây lại tường bao.

Không chỉ có đường bê tông mà nhiều công trình công cộng khác đều có sự chung tay góp sức của ông Kim và các đảng viên trong Chi bộ miền Đầm Mương. Ông Lại Văn Sìn, Trưởng xóm Đầm Mương 14 chia sẻ: Nhiều công trình xây dựng tại địa phương, ngoài phần đóng góp chung, ông Kim và các đảng viên trong Chi bộ cũng hăng hái ủng hộ thêm. Việc này có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người dân, bà con nhìn thấy cán bộ, đảng viên mẫu mực đóng góp, không tư lợi riêng nên khi địa phương vận động nhân dân đóng góp tiền, công lao động xây dựng hạ tầng cơ sở, ai nấy đều tin tưởng tham gia. Như việc xây dựng Nhà văn hoá xóm Đầm Mương 12, Nhà văn hoá xóm Đầm Mương 14 mới đây, nhân dân tham gia đóng góp thêm hàng trăm triệu đồng. Song không khó, vì mọi người dân miền Đầm Mương đều tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, đã luôn nêu cao tinh thần dân chủ, biết tôn trọng nhân dân, hết mực vì nhân dân.