Nghị lực của một nông dân làng hoa

16:47, 11/11/2019

Không may bị tai nạn rủi ro khi mới hơn 3 tuổi, việc cậu bé ấy đã từ cõi chết trở về là cả một kỳ tích ở làng quê hiền hòa này. Tuy nhiên, điều đáng cảm phục hơn cả, là mặc dù hạn chế cả về thể chất và trí tuệ, anh Lưu Tuấn Tú, 39 tuổi, hội viên Hội Nông dân phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên) luôn gương mẫu trong lao động sản xuất và vươn lên trong cuộc sống, tích cực góp sức xây dựng quê hương đẹp giàu.

“Bác sĩ”… hoa phong lan

Nghe tiếng lành đồn xa, chúng tôi đến khu dân cư Túc Tiến, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên để tìm anh Lưu Tuấn Tú, sinh năm 1980, là người rất giỏi nhân giống và “chữa bệnh” cho hoa phong lan. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là anh không có dáng dấp nông dân chút nào, thậm chí còn khá mảnh dẻ, thư sinh. Anh càng giống một cậu bé bởi cách nói chuyện sôi nổi, hồn nhiên pha đôi chút ngờ nghệch.

Vườn lan của anh là một địa chỉ bất cứ người yêu lan Phi Điệp nào trong và ngoài tỉnh đều biết đến. Có lẽ, một phần do người chủ vườn khá “đặc biệt” và phần nhiều, do lịch sử khá thú vị của vườn lan này. Anh Tú kể, đầu tiên nhà anh chỉ có một giò lan Phi Điệp thôi, cách đây gần 30 năm, do một người bạn của chị gái mang đến tặng. Anh bạn trèo lên cây táo dại cổ thụ hơn 100 tuổi, buộc giò lan vào thân cây táo để khi hoa nở sẽ thõng xuống trước sân nhà cho đẹp. Đây là giống lan tự nhiên, sức sống mãnh liệt, hoa rất bền, đẹp và đặc biệt là rất thơm nên nhiều người đến chơi đều muốn xin một vài nhành về trồng. Để đảm bảo cây sống và nở hoa, mọi người nhờ anh Tú trồng thành từng giò cho tiện. Hơn 10 tuổi, cũng vì yêu thích hoa, anh Tú bắt đầu tập tỉa và nhân giống lan Phi Điệp. Anh Tú ngượng ngùng thú nhận hồi đầu cũng làm hỏng nhiều, nhưng hồi đó chỉ nhân giống để cho tặng chơi thôi, cây chết thì cũng tiếc, cố gắng rút kinh nghiệm để đảm bảo cây nào tách ra cũng sống. Dần dần, trong những lúc chăm sóc, tỉa bỏ thân già, anh nhận thấy rằng chính những thân cây đã trổ hoa sẽ mọc mầm và rễ mới, đem trồng đảm bảo phát triển tốt hơn hơn là bóc tách thân mọc bám rễ chặt vào thân cây chủ. Thế là thay vì vứt bỏ những đoạn thân già, anh đem gắn chúng vào các đoạn gỗ và các giá thể. Đầu tiên chỉ vài gốc, rồi đến hàng chục, hàng trăm giò lan đua nhau khoe sắc tỏa hương thơm ngào ngạt.

Gần 20 năm trồng và chăm sóc lan, bắt đầu tự mày mò, sau là học qua internet và các nhóm chơi lan trên mạng xã hội, anh trở thành “chuyên gia” lúc nào không hay. Kinh nghiệm, vốn kiến thức và “tay nghề” của anh về loài hoa này ngày càng được nâng cao. Anh Tú cho rằng, chơi phong lan rèn được tính tỉ mỉ, cẩn thận và phải rất kiên trì. Chỉ với một “mắt ngủ”, chăm sóc và chờ đợi phát triển thành “kiến”, thành “ki” rồi thành “thân” là cả một quá trình rất lâu dài, có khi mất tới cả chục năm mà người chơi vẫn chưa thể mường tượng được “mặt mũi” hình dáng, màu sắc hoa. Khi giao dịch những loại này, người chơi lan gọi là “lan xổ số”, may thì được loài lan quý, không may thì tốn rất nhiều công sức. Hơn nữa, môi trường, thời tiết, khí hậu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tồn tại và phát triển của cây.

Trong các dòng Phi Điệp, lan Var (là loại lan đột biến vì nó có dáng vẻ độc đáo khác tự nhiên về màu sắc, hình dạng hoa, độ dày của cánh) có giá đến vài triệu đồng/cm, một số giò lên đến cả chục tỷ đồng nhưng nếu không biết chăm sóc, cây sẽ chết vì nhiễm nấm hoặc úng rễ… Mỗi ngọn lan đột biến có giá trị như cả một gia tài, anh Tú đầy hy vọng trong số hàng vạn mầm lan đang ươm sẽ có ít nhất một cây đột biến để “trúng độc đắc”.

Không chỉ đến ngắm lan, mua lan, khá nhiều người còn mang lan đến… gửi. Chị Hồng Thương ở phường Hoàng Văn Thụ rất mê hoa nhưng không có kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều giò lan quý hiếm đắt tiền bị chết. Từ hồi tham quan vườn và quen anh Tú, mỗi khi lan nhà chị có dấu hiệu “bị ốm” chị đều khẩn cấp mang đến nhờ anh Tú chữa trị đến khi cây xanh tốt, thậm chí đến mùa hoa mới mang về trưng rồi sau đó lại tiếp tục mang gửi. Anh Tú không chỉ cẩn thận, khéo tay mà chỉ cần nhìn cây là đoán được tình trạng bệnh để “cứu chữa” bằng những loại thuốc thảo dược tự chế.

Chị Thu Phượng, phường Đồng Quang cũng mang giò lan quý mới mua được tận thôn vùng cao rất xa đến nhờ anh Tú chăm để đảm bảo sống với thỏa thuận “nếu hoa đẹp thì đổi cho một “ki”. Nhiều bạn chơi lan mỗi khi sưu tầm được giống lan lạ, cũng đều mang đến “gửi gắm” nhờ anh Tú chăm cho đến lúc có hoa để cùng thưởng thức.

Mấy năm gần đây, lan Phi Điệp rất được ưa chuộng, người chơi lan ở nhiều tỉnh tìm đến để mua lan, mỗi ki (mầm cây mọc trên thân, từ vị trí cuống hoa của mùa trước đó) có giá cả trăm nghìn đồng, có người mua một lần vài chục triệu tiền “ki”. Riêng cây táo cổ thụ có hàng nghìn giò lan đã được trả tới 600 triệu đồng.

Khá bẽn lẽn, anh Tú cho biết nhiều khách hàng không chỉ mua lan mà còn “giao lưu” trao đổi giống lan quý, hiện riêng Phi Điệp, vườn của anh đã có hàng chục loại, ngoài các loài Phi Điệp của các tỉnh phía Bắc hầu hết có mặt, anh còn có Phi Điệp được bạn yêu lan từ các tỉnh rất xa như Đồng Nai, Lâm Đồng gửi tặng.

Khoe giò lan có 3- 4 ngọn xanh mướt, anh Tú nói đó là giống “Gió ngàn” do một bạn chơi lan tặng mầm cho anh. Để có giò “Gió ngàn” này, anh đã chăm sóc nó từ khi còn là một “kiến” (mầm bé như con kiến), phải mất bốn, năm năm mới phát triển như hiện tại. Hiện nhiều người nằng nặc đòi mua với giá gần 30 triệu đồng nhưng anh không muốn bán. Đối với anh, mỗi giò lan đều chứa đựng rất nhiều tình cảm yêu quý của những người cùng sở thích mê lan, dù chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời.

Nghị lực đáng nể

Thật đáng ngạc nhiên, vườn lan chỉ là “nghề tay trái”, anh Tú làm trong những lúc nông nhàn. Vợ chồng anh có 10 sào rau màu, 5 sào lúa và 5 sào hoa. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Túc Duyên bày tỏ sự thán phục:

- Nhà anh Tú làm ăn giỏi lắm, rau và hoa lứa nào cũng đẹp và bán đắt nhất làng, nhất là hoa huệ, các cửa hàng hoa còn đến tận ruộng tranh nhau mua .

Không chỉ thán phục sự “mát tay” của anh Tú trong việc trồng và nhân giống hoa lan, người dân làng hoa Túc Tiến - Túc Duyên còn rất nể phục nghị lực của anh bởi họ đã chứng kiến những chuyện xảy ra trong cuộc đời anh, từ khi còn  là một cậu bé.

Vào mồng Hai Tết năm 1984, lúc đó là ngang chiều, mọi người trong xóm vui vẻ đến chúc tết từng nhà. Cậu bé Tú ngồi trên giường để chơi đùa cùng các chị. Đang chơi vui, bỗng nhiên em ngã vật ra, máu từ đỉnh đầu tuôn xối xả. Cả xóm vội đưa em đến bệnh viện. Các bác sĩ đã sơ cứu và phát hiện em bị trúng một viên đạn lạc (thời đó chưa cấm đốt pháo tết và có cả những trường hợp dùng súng quân dụng bắn đạn thật), viên đạn xuyên qua mái ngói, đâm qua hộp sọ và trồi ra bên thái dương cậu bé.

Những năm sau đó, cậu bé linh lợi ngày nào gắn chặt với chiếc giường cấp cứu ở các bệnh viện Trung ương với hi vọng “còn nước còn tát”. Hết mổ hộp sọ gắp đạn, lại mổ lấy xương vụn, rồi mổ xử lý nhiễm trùng não, cuối cùng cậu bé cũng đã chiến thắng, trở lại đời thường với những vết sẹo mổ chằng chịt trên đỉnh đầu. Vì phần lớn xương sọ bị mất, chỉ còn lớp da mỏng che bộ não luôn phập phồng như quả tim đang đập, bất cứ va chạm nhỏ nào cũng có thể đe dọa đến tính mạng em.

Và cậu bé đã phải học nói lại, từng từ, từng câu, rồi dần dần quen với cuộc sống đời thường, cũng đến trường, cũng vui chơi như bao đứa trẻ khác. Chỉ có điều, sức khỏe và trí não của em không thể như những người bình thường.

Cố học hết lớp 12, anh Tú tự thấy không thể theo học thêm nên bố mẹ anh đồng ý cho anh nghỉ học. Anh cũng có thời gian đi học nghề nhưng không đáp ứng nổi áp lực thời gian và công việc. Cuối cùng, gia đình đành chấp nhận để anh tiếp tục công việc ruộng đồng.

Năm 2005, anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Quế, một cô thôn nữ rất nhanh nhẹn, đảm đang. Vợ chồng anh có 2 cô con gái, hiện sống cùng bố mẹ già yếu tại tổ 22, phường Túc Duyên.

Ông Lê Đình Linh, Bí thư Chi bộ tổ 22 cho biết mặc dù hạn chế về sức khỏe nhưng anh Tú vẫn là một tấm gương về lao động sản xuất. Hàng ngày, anh trực tiếp làm mọi việc ruộng đồng, giúp vợ chở rau và hoa đến chợ đầu mối, tranh thủ đưa đón con đi học và chăm sóc bố mẹ già lúc ốm đau. Đặc biệt, vợ chồng anh chị luôn rất trách nhiệm, nhiệt tình trong những công việc chung của tổ, hộ nào có việc hiếu hỷ cần giúp đỡ thì sẵn sàng gác việc làm ăn của gia đình để đến giúp. Gia đình anh là một trong số gia đình văn hóa tiêu biểu của tổ. Cháu Lưu Ngọc Khuê con anh Tú học rất giỏi, cháu đã từng nhất thành, nhất tỉnh và được Huy chương toàn quốc môn Cờ Vua.

Nói về mô hình vườn phong lan của anh Lưu Tuấn Tú, ông Hoan Chủ tịch Hội Nông dân phường khẳng định đây là một hướng đi rất hiệu quả bởi theo quy hoạch, nhiều diện tích đất nông nghiệp của phường đã chuyển đổi mục đích thành đất đô thị. Người nông dân cần thiết phải chuyển hướng theo mô hình không đòi hỏi đất sản xuất. Vườn lan của anh Tú không chỉ cho thu nhập cao mà còn bảo tồn nhiều giống hoa phong lan đang biến mất dần ngoài môi trường tự nhiên. Với cách canh tác xanh và sạch này, đồng thời với duy trì thu nhập ổn định cho hộ gia đình, những mảnh vườn như của gia đình anh Tú sẽ trực tiếp bảo vệ môi trường, làm giàu sinh thái, tái tạo và bảo vệ tài nguyên. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở tổ, xóm.

Xứng đáng là một người chủ của nông thôn mới, anh Lưu Tuấn Tú, một người nông dân rất bình thường, đã làm đúng như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn: “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” để đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần''.