Khát vọng cống hiến vì cộng đồng

15:30, 10/02/2020

Trẻ, phong độ, dễ mến là những cảm nhận khi lần đầu tiên gặp anh. Tiếp xúc lâu hơn, nhiều người lại càng cảm mến khi hiểu được một phần hoài bão của người bác sĩ ấy. “Cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng” - Ước mong của bác sĩ Trần Đình Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Bảo Ngọc chỉ có vậy.  

Hơn 3.500 học sinh được khám miễn phí

Tôi biết anh từ lâu, trước khi anh “chân ướt, chân ráo” về Thái Nguyên mở Phòng khám Nha khoa Bảo Ngọc mà bây giờ đã phát triển thành Công ty TNHH Bệnh viện Bảo Ngọc khám chữa bệnh đa khoa có thanh toán bảo hiểm y tế. Trò chuyện nhiều với anh, nhưng tôi là người “ngoại đạo” nên không hiểu nhiều về y khoa. Tôi chỉ hay đi cùng anh trong các chuyến thiện nguyện: Ngược vùng cao khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các em học sinh; xuôi vùng thấp tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, rồi cùng đi khám, chữa bệnh cho gia đình chính sách, tặng trang thiết bị cho trường học... Có dịp trò chuyện với cô giáo Hà Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Tự Minh, xã Động Đạt (Phú Lương), tôi được cô chia sẻ: Năm vừa qua, được sự đầu tư của Nhà nước, Nhà trường đã nâng cấp khu nhà lớp học cấp 4 thành nhà 2 tầng. Nhưng để công nhận đạt chuẩn, Nhà trường cần trang bị cơ sở vật chất cho các phòng học, trong đó có phòng tin học. Khi biết điều này, bác sĩ Trần Đình Tuyên đã đồng ý hỗ trợ toàn bộ hệ thống máy tính trong phòng tin học trị giá 70 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng khám Bảo Ngọc còn hỗ trợ khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu miễn phí cho toàn bộ giáo viên và học sinh Nhà trường trong 1 năm với kinh phí 60 triệu đồng. Việc làm của bác sĩ Tuyên rất có ý nghĩa với Trường chúng tôi.

Xem các số liệu của Phòng  khám, tôi nhẩm tính, một năm, anh và các y, bác sĩ của Bảo Ngọc khám, chữa bệnh miễn phí cho từ 3 đến 5 trường học, mỗi trường từ 150 đến 200 học sinh. Tính ra, từ năm 2013 đến nay, đội ngũ của Bảo Ngọc cũng đã khám miễn phí hơn 3.500 học sinh. Nghe tôi tính, anh Tuyên mỉm cười: Chúng tôi làm có bao giờ thống kê, ghi chép đâu, chỉ mong giúp được nhiều nhất cho cộng đồng.

Dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng

Nhiều người chia sẻ với tôi, lần đầu tiên khi gặp bác sĩ Trần Đình Tuyên đều bất ngờ vì trông anh trẻ thế mà đã gây dựng được cơ nghiệp như vậy. Nghe tôi kể, anh chỉ cười, bảo: Nhiều người nói với tôi như vậy mà! Nhưng có lẽ trông tôi trẻ hơn tuổi, năm nay tôi cũng đã gần 40 tuổi đời và gần 20 năm tuổi nghề.

Nghe anh trải lòng, tôi hiểu, khó có thể nói hết những khó khăn anh đã vượt qua để có được ngày hôm nay. Anh Tuyên sinh ra trong một gia đình bình dân như bao gia đình khác ở huyện Phú Lương. Từ nhỏ đã sáng dạ, hiếu học, nên khi anh đỗ vào Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên năm 2001 ngay lần đầu tiên đi thi, không ai bất ngờ. Quá trình phấn đấu học tập, anh đạt được học bổng ở Trường và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào năm 2007. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, anh được Nhà trường giữ lại, nhưng với hoài bão muốn lập nghiệp riêng, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, anh đã chọn ra ngoài mở phòng khám. Anh bảo: Năm 2010, tôi xuống Hà Nội mở xưởng sản xuất răng giả. Đối với tôi, áp lực từ gia đình không lớn bằng áp lực của chính mình: Phải gạt cái tôi riêng, quên đi vị thế của một thạc sĩ, bác sĩ, giảng viên đại học để đi chào bán sản phẩm do chính mình làm ra. Rồi biết bao năm tháng tôi lăn lộn ngày đêm học tập từ các chuyên gia về răng, tự mày mò, nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm ưng ý nhất.

Sau khi làm chủ công nghệ sản xuất răng giả, tay nghề khám, chữa răng vào dạng “có tiếng” ở đất Hà Thành, bác sĩ Trần Đình Tuyên đã trở lại quê hương Thái Nguyên với mong muốn mang dịch vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất tới khách hàng. anh kể: Năm 2013, tôi về lập nghiệp tại Thái Nguyên. Có nhiều người bảo tôi rằng: Cứ mê làm lớn, chuyên nghiệp như anh thì chẳng mấy mà sập tiệm. Quả là vạn sự khởi đầu nan, đầu tư vốn lớn, khó khăn nhiều lắm, nhưng tôi không khi nào nhụt chí, luôn dốc sức theo đuổi mục tiêu duy nhất là chất lượng cao nhất, dịch vụ tốt nhất dành cho khách hàng.

Thấm thoát đã 7 năm bác sĩ Trần Đình Tuyên lập nghiệp tại Thái Nguyên, thương hiệu “Bảo Ngọc” đã không còn xa lạ với người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Nha khoa Bảo Ngọc nay đã phát triển lên 4 cơ sở: 2 cơ sở ở T.P Thái Nguyên, 1 ở T.P Sông Công và 1 ở huyện Đại Từ. Thêm vào đó, Phòng khám đa khoa Bảo Ngọc cũng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, khám, chữa chuyên sâu nhiều bệnh về nam khoa, phụ khoa, nhi khoa, chẩn đoán ung thư sớm... trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh. Các cơ sở này đều thanh toán bảo hiểm y tế, giúp người bệnh bớt gánh nặng khi khám, chữa bệnh.

Xác định nguồn nhân lực là sự sống còn của Công ty, anh Tuyên và Ban giám đốc còn ban hành chủ trương hỗ trợ học phí, trả lương, cử nhiều y bác sĩ ưu tú đi học chuyên khoa, nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ cán bộ, nhân viên như: Chương trình “nhân viên ưu tú điểm tựa gia đình” khám, chữa bệnh miễn phí cho người thân của những nhân viên ưu tú; thanh toán 100% chi phí cho nhân viên khi khám, chữa bệnh tại phòng khám… Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khanh, nhân viên Công ty cho biết: Khi biết tôi có nguyện vọng, Công ty đã đồng ý hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho tôi đi học bác sĩ chuyên khoa I tại Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Và những hoài bão lớn

Nhiều lần tiếp xúc với anh, tôi còn được biết bác sĩ Trần Đình Tuyên đã, đang theo đuổi những đề tài nghiên cứu về y tế cộng đồng. Đó là những đề tài về bệnh tan máu bẩm sinh; sức khỏe cộng đồng, nhất là các bệnh về răng, hàm, mặt của trẻ em vùng cao, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Anh bảo: Y tế cộng đồng là điều tôi theo đuổi bấy lâu nay và sẽ vẫn là mục tiêu xuyên suốt cho chặng đường phía trước. Tôi vẫn nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp y tế mà đầu tiên là làm tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của người bác sĩ, sau là đóng góp nhiều hơn cho công tác từ thiện vì cộng đồng.

Chia tay bác sĩ Tuyên, tôi còn được nghe anh rủ rỉ: “Tôi một lòng vì quê hương. Lập nghiệp thành công ở T.P Thái Nguyên khiến tôi rất mãn nguyện, nhưng tôi vẫn còn mơ ước xây dựng một bệnh viện trên mảnh đất Phú Lương để người dân trên địa bàn huyện thêm lựa chọn khi đi khám, chữa bệnh. Tôi sẽ dốc lòng để mong ước trở thành hiện thực trong một tương lai không xa”.