Sau một tuần đặt chân đến tâm dịch T.P Hồ Chí Minh, dù vô cùng vất vả nhưng 79 cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vẫn không nề hà trước mọi khó khăn. Với họ, được cống hiến để bảo vệ sức khỏe, sự bình yên cho nhân dân chính là sứ mệnh, trách nhiệm của người thầy thuốc. Khi đã đọc lời thề Hippocrates để được vinh quang, sướng khổ cùng nghề đồng nghĩa với việc họ sẽ không chùn bước trước những dịch bệnh nguy hiểm như thế này.
Thời điểm này, mỗi ngày, số người mắc COVID-19 mới trong cộng đồng tại T.P Hồ Chí Minh lên tới 4 con số. Bởi vậy, tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, số bênh nhân tăng nhanh, trong đó có không ít bệnh nhân là người cao tuổi, sức đề kháng yếu, có các bệnh lý nền… lâm vào tình trạng nguy kịch. Phải làm việc trong môi trường “đậm đặc” vi-rút SARS-CoV-2 như thế, nhưng những chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên không hề lo lắng cho sự an nguy của bản thân.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hùng Vương, Phó Bí thư Đảng ủy Bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trưởng đoàn cho chúng tôi biết: Đoàn chi viện của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có 21 bác sĩ, 56 điều dưỡng và 2 kỹ thuật viên. Xuất quân ngày 13-7 nhưng 1 ngày sau, chúng tôi mới chính thức được phân công tham gia tiếp đón điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp. Để bảo đảm 24/24 giờ trong ngày đều có lực lượng y tế của Thái Nguyên hỗ trợ cho đơn vị bạn, đoàn công tác của chúng tôi chia thành 3 ca, mỗi ca làm việc liên tục 8 giờ tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Nội.
Đoàn bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đến với tâm dịch T.P Hồ Chí Minh với tấm lòng của người thầy thuốc cùng quyết tâm góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Ở nơi điều trị vô cùng đặc biệt này (người bệnh hoàn toàn không có người nhà hỗ trợ chăm sóc), hằng ngày, các thành viên trong đoàn làm các công việc như: Khám, chỉ định phác đồ điều trị, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ chuyên môn, ăn uống, vệ sinh cá nhân và cả các sinh hoạt khác của người bệnh.
Sẻ chia với chúng tôi qua điện thoại, nhiều cán bộ y tế trong Đoàn cho biết điều kiện làm việc trong môi trường dịch bệnh bủa vây như thế này rất khắc nghiệt, khác xa với việc điều trị các bệnh nhân thông thường. Có những hôm, xong ca làm việc, cởi bảo hộ ra là toàn thân ê ẩm, đôi tay nhăn nheo, cứ xoa vào nhau mãi mới có thể bấm phím điện thoại (khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thì tuyệt đối không dùng điện thoại trong giờ làm việc). Đặc biệt, suốt 8 giờ làm việc, cán bộ y tế phải không ăn, không uống, không vệ sinh để tránh bị phơi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Vì vậy, khi đã hết ca trực, trở về nơi ở, họ lại nhanh chóng mang điện thoại ra gọi về nhà để thông tin về tình hình công việc, sức khỏe và trấn an tinh thần của người thân.
Ở quê nhà, chúng tôi vô cùng tự hào khi những người con của quê hương Thái Nguyên đã được truyền thông cả nước đánh giá cao bởi lòng quả cảm, ý chí vượt lên và thể hiện được trách nhiệm thiêng liêng của người thầy thuốc. Đó là hình ảnh của bác sĩ trẻ người dân tộc Tày Bàn Văn Cường với vóc dáng nhỏ bé nhưng vẫn không nề hà xông vào khu điều trị bệnh nhân nặng để giúp họ trở mình, đo thân nhiệt, kiểm tra các chỉ số sinh tồn.
Tại đây, mỗi ngày, ít nhất 3 lần bác sĩ Cường phải đi kiểm tra các chỉ số sinh tồn cho người bệnh. Mấy ngày đầu chưa quen với bộ quần áo bảo hộ kín mít, nên sau vài tiếng đồng hồ anh đã thấm mệt. Nhưng cứ nghĩ đến những người bệnh đang nằm bất động trên giường, được nghe những lời cảm ơn từ những giọng nói thều thào, yếu ớt của người bệnh, anh lại cố gắng lấy lại tinh thần để tập trung làm việc.
Bác sĩ tình nguyện của Đoàn công tác chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 là người cao tuổi, có bệnh lý nền đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (T.P Hồ Chí Minh).
Hay như bác sĩ Trần Thị Tú Linh, chị luôn tận tâm chăm sóc những bệnh nhân nặng đang kề cận giữa sự sống và cái chết. Chị còn an ủi, động viên để tiếp thêm cho họ niềm tin và sức mạnh chiến thắng bệnh tật.
Chị Linh bảo: Trong ca làm việc, khi có công việc thật sự cần thiết, chúng tôi vẫn có thể thay đồ bảo hộ. Tuy nhiên, trong điều kiện nhân lực đang hạn chế như hiện nay thì việc thay đồ rất bất tiện, mất thời gian. Bởi vậy, ai cũng cố gắng xong ca trực mới ăn, uống, vệ sinh cá nhân. Được tôi luyện trong môi trường khác nghiệt của ngành Y nên tôi và các đồng nghiệp đã quen với việc mang bảo hộ suốt nhiều giờ đồng hồ như hiện nay.
Cũng như anh Cường và chị Linh, nhiều bác sĩ khác của Đoàn chi viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp đều nói: Nhìn bệnh nhân nặng thương lắm. Khi ốm đau không có người thân bên cạnh sẽ cảm thấy rất thiệt thòi, mặc cảm. Vì thế, mỗi “chiến sĩ” áo trắng luôn thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của trái tim. Đó là không chỉ điều trị cho người bệnh mà còn phải coi họ như người thân của chính mình.
Cuộc chiến chống COVID-19 tại tâm dịch T.P Hồ Chí Minh được dự báo sẽ còn dài và chưa hẹn ngày trở về. Tuy nhiên, các thành viên trong Đoàn luôn nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm để tập trung toàn lực cho công tác điều trị. Với họ, điều quan trọng lúc này là phải vững tinh thần, đảm bảo có sức khỏe thật tốt để cứu chữa kịp thời cho người bệnh, mang lại cuộc sống yên vui cho nhân dân. Chúng tôi tin, sự kiên cường và nỗ lực của họ sẽ được đền đáp xứng đáng và dịch bệnh nguy hiểm này sẽ nhanh chóng được kiểm soát…