“Tôi không nghĩ những việc mình làm được thời gian qua có gì lớn lao, chỉ đơn giản: Mình là cựu chiến binh, là nạn nhân chất độc da cam nhưng không vì thế mà trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; ngược lại, phải luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng”. Đó là tâm sự của ông Trần Tiến Vượng, là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, ở xóm Hải Minh, xã Tân Kim (Phú Bình).
Tháng 8-1973, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Tiến Vượng lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biên chế tại Trung đoàn 575, Sư đoàn 470, Đoàn 559. Trải qua các chiến trường với nhiều trận chiến ác liệt, nhiều lần bị sức ép bom đạn, ông may mắn hơn đồng đội của mình khi trở về với thân hình lành lặn. Sau một thời gian lao động, sản xuất, thấy trong người nhức mỏi, dấm dứt, ông chỉ nghĩ rằng do lao động hằng ngày vất vả. Cho tới năm 2007, ông được giám định, kết luận, ông mới biết mình bị phơi nhiễm chất độc hóa học màu da cam với tỷ lệ 61%.
Dù vậy, nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính, ông luôn nỗ lực vượt khó, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Dẫn chúng tôi thăm vườn cây trái sai trĩu quả, đồi keo chuẩn bị cho thu hoạch, ông Vượng tự hào nói: Sau khi rời quân ngũ, tôi cùng vợ về lập nghiệp tại mảnh đất này với hai bàn tay trắng. Nhọc nhằn khai hoang từng vạt đất, đêm hôm khuya sớm bên ruộng đồng, bờ bãi để đến nay, vợ chồng ông sở hữu trên 4ha đất các loại. Trong đó, 3ha trồng rừng, còn lại trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả, thả cá, nuôi gà, mỗi năm cộng các loại ông thu về 150 triệu đồng.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, ông Vượng còn là tấm gương điển hình trong việc chung tay xây dựng nông mới tại địa phương. Giai đoạn 2015-2019, xóm Hải Minh là xóm đặc biệt khó khăn của xã, điều kiện kinh tế, cơ sở văn hóa nghèo nàn, thiếu thốn, đường đi lại lầy lội cản trở các gia đình làm kinh tế. Vì vậy ông nghĩ mình cần phải làm gì đó giúp địa phương, thôn xóm cũng như chính gia đình mình. Năm 2017, ông tự nguyện hiến 1.200m2 đất vườn, bỏ tiền thuê phương tiện máy móc để mở rộng đường vào cụm dân cư và đình làng Hải Minh với chiều dài 400m, rộng 5m. Thấy ông không tiếc công sức, tiền của bỏ ra làm đường, bà con trong vùng rất cảm phục và cùng ông đóng góp, mua đá đổ cấp phối mặt đường. Ngày con đường hoàn thành, thấy sự phấn khởi của bà con chòm xóm, ông cảm thấy hạnh phúc khi làm một điều có ích cho địa phương. Ông bảo xã đang có chủ trương đổ bê tông con đường này, tới đây cần hiến thêm đất, tôi sẵn sàng. Cùng với làm đường, từ năm 2017 đến 2019, gia đình ông đóng góp, ủng hộ gần 50 triệu đồng thực hiện các hoạt động khác của địa phương, như: Xây dựng đường vào nhà văn hóa xóm; sửa chữa, tôn tạo đình làng; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đoàn thể...
Hiện nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Vượng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông là thành viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tân Kim; đồng thời đảm nhận Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam xóm Hải Minh, tham gia Ban Công tác Mặt trận xóm. Ngoài ra, ông đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Công việc nhiều phụ cấp thấp nhưng ở cương vị nào, ông Vượng cũng vượt lên tất cả khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua cựu chiến binh, nạn nhân da cam giúp nhau làm kinh tế, xóa nghèo bền vững; thăm hỏi, giúp đỡ động viên gia đình hội viên vươn lên cuộc sống, lan tỏa trách nhiệm đồng lòng chung sức xây dựng quê hương...
Ông Nguyễn Văn Đỏn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tân Kim chia sẻ: Ông Vượng với tôi là đồng đội cùng đơn vị nên tôi hiểu, trong chiến tranh cũng như đời thường, ông ấy chưa bao giờ cho phép mình lùi bước trước những khó khăn và luôn tận tâm, tận lực với những việc mình làm. Nhờ có sự đóng góp, chia sẻ của ông ấy nên phong trào chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam ở xã được đẩy mạnh hơn. Tháng 8-2020, ông Vượng vinh dự là một trong những cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam, giai đoạn 2015-2020”.