Giáo sư Vũ Khiêu đã phiêu diêu miền thọ tử

12:14, 02/10/2021

Cái tin giáo sư khả kính của đất nước, cây đại thụ của khoa học xã hội Việt Nam rời cõi tạm trước thềm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10 Vũ Khiêu khiến muôn người xúc động, tiếc nuối, cho dù “Bách lục niên tuế” là cái tuổi rất hiếm xưa nay.

Vâng, tôi dùng cái tít bài có chữ phiêu diêu miền thọ tử cũng xuất phát từ một cơ duyên được hầu chuyện giáo sư 12 năm trước, tại Thái Nguyên, trong một sự kiện lớn. Năm ấy - năm 2009, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội 915, Đội TNXP số 91 do có thành tích trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là khúc bi tráng tối Noel 24/12/1972, đại đội trúng bom Mỹ tại ga Lưu Xá, 60 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh.

Câu chuyện vì sao mãi 37 năm, sự kiện mới được tôn vinh thì dài lắm, xin trở lại vào dịp khác. Chuẩn bị cho sự kiện đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT năm ấy công phu và đồ xộ, bao gồm cả việc xây mới nơi thờ tự 60 liệt sỹ, trở thành Trung tâm giáo dục truyền thống.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Giáo sư Vũ Khiêu. Ảnh: Báo Cand.vn    

Chúng tôi xây dựng một chương trình Truyền hình trực tiếp, kịch bản tái hiện trận chiến rất công phu, đồ sộ. Giáo sư Vũ Khiêu - Nhà văn hoá hàng đầu Việt Nam, mặc dù năm đó đã ở tuổi 94 vẫn nhận lời mời của tỉnh lên giúp. Chúc văn đề tặng Khu di tích và được thể hiện trong Chương trình truyền hình của giáo sư như một bản anh hùng ca ca ngợi tấm gương chiến đấu, hy sinh vừa hào sảng, cao vời, vừa sâu sắc, nhân văn:

           “Lưu Xá tơi bời bom rơi đạn nổ

              Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh

              Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử

              Máu trung liệt phơi đầy đất đỏ

              Khí anh hùng cao vút mây xanh…”

      Trong buổi trao đổi, ghi hình tại Trường quay S2 của Đài tỉnh:

     - Thưa giáo sư, xin cho khán giả truyền hình được hiểu nghĩa của câu: Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử”? Cụ cười hiền:

      - Hy sinh, chết của con người là lẽ thường. Song hy sinh vì ai? Lý tưởng nào là câu chuyện phải ghi tạc. Tỷ dụ “Có cái chết làm nên lịch sử/Có cái chết hoá thành bất tử” là của cụ Tố Hữu thay mặt nhân dân tặng cho Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi…”. Thác mà trả nước non rồi nợ/Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen/Thác mà ưng, đình miếu để thờ/ Tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ” là cụ Đồ Chiểu tặng cho các nghĩa sỹ Cần Giuộc. Thác rồi mà danh còn vang vọng với non sông, tên tuổi còn mãi với đất nước…Thọ tử là vậy!

                                                                                            ***

Sinh năm 1916, tại làng quê khoa bảng và cách mạng Hành Thiện xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, cùng làng với Tổng Bí thư Trường - Chinh, Vũ Khiêu tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, nhiều năm làm công tác tuyên huấn, văn hoá của Đảng trên ATK Thái Nguyên, thế hệ cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư từng giữ chức Giám đốc Sở Văn hoá khu 10 tại Việt Bắc (1947-1954).

Sau năm 1954, ông về Hà Nội, là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành xã hội học của Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện xã hội học Việt Nam, từng làm Phó TGĐ Thông Tấn xã Việt Nam, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội… Ông được phong hàm giáo sư lớp đầu. Ông viết và tham gia hàng trăm tác phẩm đồ sộ, trong đó lớn nhất là bộ sách 3 tập, hơn 1500 trang” Bàn về văn hoá Việt Nam”.

Giáo sư được tặng nhiều giải thưởng, trong đó lớn nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học đợt 1 năm 1996. Năm 2000, Giáo sư được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2010, Giáo sư có 2 vinh dự lớn: Là công dân tiêu biểu của Thủ đô nhân 1000 năm Thăng Long và viết bài Chúc văn cho nguyên thủ quốc gia đọc tại lễ cẩn cáo tổ tiên trên Đền Hùng, lay động tinh thần và niềm tự hào dân tộc của hàng triệu con tim Việt Nam.

Là người có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sức lao động sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ, Giáo sư Vũ Khiêu nhận được sự tôn kính của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có cán bộ và nhân dân Thái Nguyên, nơi mà Giáo sư và gia đình từng gắn bó.

 Giáo sư Vũ Khiêu dù đang phiêu diêu chân trời góc bể nào thì với lòng yêu nước, yêu dân ông vẫn hướng vào sự an lành của đất nước, con dân, vì ông đã Thọ Tử trong lòng dân rồi./.