Từ bao đời nay, nghề giáo luôn được xã hội kính trọng. Để phát triển sự nghiệp trồng người, điều căn bản nhất của thầy, cô giáo là truyền dạy những kiến thức văn hóa và trở thành tấm gương về đạo đức, sáng tạo để học sinh noi theo.
Đến thăm Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ), điều khiến chúng tôi ấn tượng là cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, sạch đẹp, đặc biệt là hệ thống đồ dùng dạy học, đồ chơi được các giáo viên tự làm rất sáng tạo. Tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên hay phế liệu đã qua sử dụng như: Hộp bánh kẹo, lốp xe, chai lọ, cành cây, len, vải vụn, bông, hộp xốp… các cô giáo đã làm ra những món đồ dùng, đồ chơi đủ kiểu dáng, màu sắc sinh động, phong phú. Những vỏ can dầu ăn, vỏ chai nước giặt được tạo thành chậu trồng hoa xinh xắn, lốp xe làm thành xích đu, những vật dụng khác được biến thành những con thú ngộ nghĩnh… Trước khi sử dụng để làm sản phẩm, các cô đã vệ sinh sạch sẽ nguyên liệu, sau đó tạo hình, gấp, cắt, sơn màu, trang trí thêm cho bắt mắt.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng, cho biết: Năm học 2021-2022, Nhà trường có 13 lớp với 306 học sinh. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhiều năm qua Nhà trường đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thông qua cuộc vận động này, các cô giáo không chỉ nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn có nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới phương pháp giáo dục, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi. Mỗi năm học có hàng trăm môn đồ chơi do các cô tự làm cho trẻ. Những món đồ này được vận dụng đưa vào bài giảng theo chủ đề, chủ điểm hằng tuần của Nhà trường. Với những đồ dùng, dụng cụ trực quan, sinh động sẽ giúp trẻ hứng thú, say mê hơn với các môn học và nâng cao khả năng nhận thức.
Các cô giáo Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng sáng tạo làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ.
Cũng tích cực tham gia Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đối với cô giáo Cái Thị Thanh Huyền, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, khi được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 2 khiếm thính, bản thân cô đã rất trăn trở. Cô Huyền chia sẻ: Học sinh khuyết tật nghe – nói, khả năng tư duy, tiếp nhận kiến thức chủ yếu bằng mắt và ngôn ngữ ký hiệu. Trong khi các em còn nhỏ nên việc tập trung, tự giác học tập thực sự khó khăn. Tôi đã suy nghĩ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, trao đổi với phụ huynh và chủ động thay đổi thiết kế bài giảng, chú trọng vào sự linh hoạt, hấp dẫn để thu hút các em.
Cô Huyền đã tận dụng các tính năng, hiệu ứng của phần mềm để thiết kế bài giảng phong phú về hình ảnh, tránh cảm giác nhàm chán cho học sinh. Do các em khiếm thính chủ yếu tư duy bằng mắt nên cô đã sử dụng các hình ảnh minh hoạ gần gũi, chia nhỏ khoảng thời gian học, hạn chế để học sinh ngồi lâu trước màn hình (khi học trực tuyến). Hằng ngày, khi học trực tiếp, cô Huyền sử dụng hình ảnh trực quan hoặc tổ chức cho học sinh tham gia một số trò chơi nhẹ nhàng để tác động đến sự tiếp nhận thông tin của các em một cách tích cực nhất.
Còn với cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thương, giáo viên dạy môn Sinh học tại Trường THPT Chu Văn An, quá trình tự học là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp. Cô Thương cho hay: Nếu không tự tìm hiểu thêm về phương pháp, kiến thức từ các nền giáo dục tiên tiến thì việc giảng dạy sẽ thành lối mòn. Do đó, tôi đã tự mình hoàn thiện chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEFL, chứng chỉ tiếng Trung HSK và văn bằng 2 đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh, chứng chỉ Tin học quốc tế IC3 và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Sinh học. Những kiến thức tự hoàn thiện đó đã giúp tôi nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển kỹ năng giảng dạy, tạo hứng thú, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sinh học cho học sinh .
Từ tinh thần nỗ lực của các thầy cô, có thể thấy, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” tác động sâu sắc đến trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh. Đặc biệt, Cuộc vận động đã tác động lớn đến việc tự học của đội ngũ giáo viên. Đến nay, toàn tỉnh có 85,70 % giáo viên, cán bộ quản lý ở các cấp học đạt mức độ chuẩn trở lên. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn được nâng lên đáng kể, cụ thể như: Mầm non đạt 68,97 %; Tiểu học đạt 0,91%; THCS 6,44%; THPT 36,82%. Toàn ngành Giáo dục hiện có 14 tiến sĩ, 1.279 thạc sĩ. Về chính trị, 2.098 cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ trung cấp, cao cấp, cử nhân Lý luận chính trị. Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.