Quãng đường từ trung tâm xã Thượng Nung lên xóm Lũng Luông không xa, ước chừng chỉ khoảng 5-6 km, nhưng phải vượt qua nhiều đoạn dốc cao, những núi đá hiểm trở. Được biết đến là một trong những xóm khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, những năm gần đây, Lũng Luông đang dần khởi sắc nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào. Đặc biệt, dù còn non trẻ nhưng Chi bộ xóm Lũng Luông đã phát huy được vai trò lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, người dân xóm Lũng Luông luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. |
Trên lũng có chi bộ
Xóm Lũng Luông hiện có 117 hộ, với trên 700 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Bà con người Mông ở đây di cư từ tỉnh Cao Bằng về lập bản từ những năm 1990. Khi đó, Lũng Luông là xóm “nhiều không” của xã Thượng Nung: không điện, không đường, không sóng điện thoại... Đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, bởi đất canh tác ít lại cằn cỗi, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Trong suốt nhiều năm, đa phần người dân phải ăn mèn mén, củ mài thay cơm; 100% số hộ cần cứu đói ngày giáp hạt; đa phần lũ trẻ không được học hành đến nơi đến chốn.
Trong điều kiện “khó mọi bề” như vậy, việc phát triển Đảng tại đây được ví là “khó như lên trời”. Đồng chí Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, cho biết: Trình độ của đồng bào trong xóm còn thấp nên không đủ điều kiện kết nạp đảng viên. Thêm nữa, đời sống còn khó khăn nên điều bà con quan tâm nhất là làm sao cho đủ ăn, chứ chưa chú tâm đến tham gia hoạt động cộng đồng. Trong suốt hơn 20 năm, xóm Lũng Luông chỉ có 2 đảng viên là ông Hoàng Thanh Cao và anh Lý Văn Mùa, đều sinh hoạt ghép tại Chi bộ xóm An Thành.
Vì không có chi bộ riêng nên việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con ở Lũng Luông có phần hạn chế. Việc vận động bà con thay đổi tư duy, cách làm để phát triển kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu “hạt nhân” lãnh đạo. Đứng trước khó khăn này, cấp ủy xã Thượng Nung đã ráo riết quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động những quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng.
Quần chúng được lựa chọn là trưởng xóm, chi hội trưởng các đoàn thể có đủ trình độ học vấn, năng lực và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Với cách làm như vậy, dần dần, xóm Lũng Luông đã kết nạp Đảng được Trưởng xóm Lý Văn Sinh. Sau đó, 1 đảng viên là cán bộ nghỉ hưu được chuyển về sinh hoạt tại xóm. Đến năm 2017, Chi bộ xóm Lũng Luông ra đời với 4 đảng viên. Năm 2022, xóm kết nạp được thêm đảng viên Lý Văn Xung và duy trì sinh hoạt với 5 đảng viên.
Khi có chi bộ, các tổ chức đoàn thể của xóm cũng được củng cố. Từ đây, các chủ trương, chính sách được phổ biến, tuyên truyền, triển khai kịp thời và đầy đủ hơn đến người dân. Qua đó góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức và ý thức của đồng bào, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, loại bỏ các hủ tục.
"Đầu tàu" kéo xóm nghèo vươn lên
Sau khi thành lập, đối mặt với “hàng núi” khó khăn, Chi bộ trẻ Lũng Luông nhận được sự trợ giúp, hướng dẫn tận tình của Đảng bộ xã Thượng Nung. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Ma Văn Hoàng được phân công phụ trách và dự sinh hoạt hằng tháng cùng Chi bộ. Anh Lý Văn Mùa, Bí thư Chi bộ xóm Lũng Luông, nói: Mỗi tháng, Chi bộ họp bàn, ra nghị quyết về một chuyên đề riêng phù hợp với nhu cầu của người dân, như: thay đổi cơ cấu giống ngô, trồng cỏ nuôi bò, tận dụng diện tích đất để trồng lúa, vận động thanh niên học nghề và đi làm việc tại nhà máy theo chương trình tuyển dụng lao động của xã, bảo vệ rừng đặc dụng…
Gia đình anh Lý Văn Mùa thoát nghèo năm 2021, thuộc tốp thoát nghèo đầu tiên ở xóm Lũng Luông. |
Anh Mùa nói thêm: Từ chỗ ra nghị quyết đến việc để người dân làm theo không dễ. Chúng tôi đã quán triệt rằng, đầu tiên đảng viên phải gương mẫu, nói được, làm được. Như năm 2019, khi xã có chủ trương xây dựng nhà văn hóa xóm, chúng tôi ra nghị quyết chuyên đề vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí. Bản thân các đồng chí đảng viên cũng đi đầu và đến tận nhà để giải thích tường tận, vận động đồng bào góp sức vì việc chung. Nhờ vậy, ngay trong năm đó, nhà văn hóa xóm Lũng Luông được hoàn thành với khuôn viên rộng 600m2, quy mô 120 chỗ ngồi, tổng giá trị xây dựng là 350 triệu đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng, số còn lại do người dân đóng góp.
“Chi bộ xóm Lũng Luông phải là đầu tàu trong phát triển kinh tế” - đây là nội dung được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp của Đảng bộ xã Thượng Nung và sinh hoạt của Chi bộ. Bí thư Chi bộ xóm Lũng Luông Lý Văn Mùa nói thêm: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương, Chi bộ coi trọng nhất lĩnh vực kinh tế, làm sao để xóm giảm được tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải xây dựng các nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đặc biệt là nêu cao vai trò tiên phong của mỗi đảng viên.
Phát huy vai trò của mình, các đảng viên Chi bộ xóm Lũng Luông đã mạnh dạn tham gia trồng cỏ nuôi bò, trồng ngô lai giống mới, gia nhập tổ bảo về rừng. Tiêu biểu như nhà anh Lý Văn Mùa thoát nghèo năm 2021, thuộc tốp thoát nghèo đầu tiên trong xóm. Các đảng viên khác cũng dần có cuộc sống khấm khá hơn và kỳ vọng sẽ thoát nghèo trong 1-2 năm tới.
Anh Mùa trăn trở: Một điều Chi bộ vẫn chưa làm được là “kèm cặp” giúp dân thoát nghèo. Bởi Lũng Luông có 117 hộ thì còn đến 90% là hộ nghèo, cận nghèo, đời sống của bà con tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, Chi bộ sẽ nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu, bò; vận động bà con tham gia mô hình trồng cây mơ, nuôi bò vỗ béo do xã triển khai…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin