Một ngày mùa Thu, chúng tôi có dịp đến xóm Khuôn Muống, xã Yên Lãng (Đại Từ), nắng vàng trải nhẹ trên cánh đồng lúa đang vào kỳ chắc hạt. Nổi bật giữa màu xanh của rừng keo, nương chè, cánh đồng lúa là Khu di tích Nguyễn Huệ được xây dựng theo kiến trúc đình chùa, 2 tầng 4 mái ngói uốn cong, phía dưới là 4 cột trụ to tròn, vững chãi, tạo cảm giác uy nghiêm. Xung quanh Khu di tích hoa, lá xanh tươi, rực rỡ, thoang thoảng mùi hoa đại quện với hương trầm khiến lòng người có chút trầm mặc, hoài niệm.
... Năm 1944, thực hiện chủ trương đưa cán bộ bị giam trong các nhà tù đế quốc ra ngoài tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng đnag dâng cao ở các địa phương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo Chi bộ đảng Nhà tù Chợ Chu (Định Hóa) bố chí cho 12 đồng chí vượt ngục vào ngày 11-10-1944. Đó là các đồng chí: Song Hào, Lê Hiến Mai, Tạ Xuân Thu, Hoàng Bá Sơn, Lê Trung Đình, Vũ Phong, Nhị Quý, Trần Tùng, Chu Nhữ, Nguyễn Cao, Phạm Hồng Bổng... Phần lớn các đồng chí này sau khi vượt ngục đã được Trung ương cử công tác tại Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng.
Tháng 10-1944, tại nhà ông Lâm Vạn Đại, ở xóm Khuôn Nanh, xã Yên Lãng đã diễn ra Hội nghị thành lập Phân khu B (lấy tên là Phân khu Nguyễn Huệ) thuộc Chiến khu Hoàng Hoa Thám. Các đồng chí Song Hào, Chu Văn Tấn đã chủ trì Hội nghị phân công công tác cho các đồng chí cán bộ vừa vượt ngục về hoạt động nhằm đẩy mạnh các hoạt động cách mạng trong Phân khu Nguyễn Huệ.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 12-1944, đồng Song Hào đã sống và làm việc tại nhà bà Đàm Thị Lan ở xóm Khuôn Muống (mẹ ông Lý Thanh, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đại Từ, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Đại Từ) . Gia đình ông Lý Thanh đã che chở, giúp đỡ đồng chí Song Hào như anh em ruột thịt. Trong thời gian hoạt động ở Yên Lãng, đồng chí Song Hào đã mở một lớp huấn luyện về cách đánh du kích, cách điều tra tình hình địch... cho thanh niên 3 xã Phú Xuyên, Na Mao, Yên Lãng.
Phân khu Nguyễn Huệ có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng phát triển rộng khắp. Đặc biệt, Phân khu Nguyễn Huệ đã có công to lớn trong xây dựng căn cứ địa Tân Trào để đến cuối tháng 5-1945 các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn chỉ huy đội Việt Nam giải phóng quân đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Cao Bằng về Tân Trào để cùng Đảng và mặt trận Việt Minh lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi. Di tích lịch sử chiến khu Nguyễn Huệ đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1999.
Sau này, gia đình ông Lý Thanh đã dành toàn bộ nền nhà cũ để xây dựng Khu di tích lịch sử Nguyễn Huệ. Hôm chúng tôi đến thăm Khu di tích, nghe tin buồn ông Lý Thanh mới mất, vậy là chúng tôi không còn cơ hội được nghe ông kể chuyện lịch sử, về những tháng ngày gian khổ nhưng anh dũng, qủa cảm của các chiến sĩ cách mạng một thời đã được gia đình ông bao bọc, chở che...
Giờ đây, nhiều nhân chứng lịch sử đã thành người thiên cổ, nhưng những câu chuyện về lịch sử hào hùng mà các ông, bà đã kể lại cho thế hệ cháu con đang sinh sống trên mảnh đất Yên Lãng vẫn còn nguyên giá trị, họ lại tiếp tục truyền lại cho hậu sinh, tạo nguồn cảm hứng, động lực trong lao động, sản xuất..., đoàn kết góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Anh Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Chi bộ xóm Khuôn Muống cho biết: Xóm có hơn 100 hộ dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chè, đời sống từng bước đã được cải thiện, nâng cao. 90% đường trục chính của xóm đã được bê tông; nhờ thường xuyên được tập huấn khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất lúa tăng cao, đạt 57tạ/ha; xóm có 10 ha chè kinh doanh, trong đó có hơn 4 ha được trồng bằng chè giống chè cành, cho năng suất chất lượng cao. Chi bộ có 6 đảng viên, luôn đầu tàu, gương mẫu trong mọi phong trào; một quần chúng ưu tú đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp trên xem xét, kết nạp Đảng vào cuối năm nay... Chúng tôi tự hào đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống yêu nước, từng nuôi giấu, chở che các cán bộ cách mạng, là nơi thành lập Phân khu Nguyễn Huệ. Lớp lớp cháu con luôn động viên, bảo ban nhau phát huy truyền thống yêu nước không ngừng phấn đấu, tư dưỡng, rèn luyện, sống xứng đáng với sự hy sinh của ông cha. Hằng tháng, quý, và các dịp lễ, Tết, Chi đoàn thanh niên đều phân công đoàn viên đến quét dọn vệ sinh, chăm hoa, tỉa cành để Khu di tích luôn sạch, đẹp, đón tiếp các đoàn đến dâng hương tưởng niệm.