Nhắc tới ngành cơ khí, nhiều người thường nghĩ rằng đó là ngành học dành cho nam giới bởi công việc liên quan đến máy móc và khá nặng nhọc. Thế nhưng, cô gái trẻ Phan Thị Hồng Mai, 1 trong 20 gương mặt xuất sắc trên toàn quốc được nhận phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2018 do Trung ương Ðoàn trao tặng lại có niềm đam mê mãnh liệt và nguyện gắn bó lâu dài với ngành học này.
Xinh xắn, nữ tính, dịu dàng là những ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận nhận được từ Mai. Càng nói chuyện, tôi càng khâm phục cô gái trẻ này về sự thông minh, nhanh nhạy để làm chủ cuộc sống bản thân, cũng như tạo dựng hành trang vững chắc trong tương lai. Mai sinh năm 1996 tại T.P Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ngay từ nhỏ, em đã có niềm đam mê tìm hiểu, thiết kế các loại máy móc. Vì thế, thi đại học, Mai quyết định chọn thi vào chuyên ngành Cơ khí, thuộc Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Em cho biết: “Đỗ vào ngôi trường mơ ước, ngày đầu tiên bước vào lớp học, em cũng khá bối rối vì cả lớp có 30 sinh viên thì chỉ có mỗi em là nữ. Tuy nhiên, em cũng đã xác định tinh thần từ đầu, con gái theo học ngành Cơ khí chắc là “của hiếm” nên cứ đặt mục tiêu phấn đấu”.
Chương trình Mai đang theo học là chương trình tiên tiến, học hoàn toàn bằng tiếng Anh với các thầy cô giáo từ nước ngoài, vì vậy đòi hỏi trình độ, sự nỗ lực của sinh viên là rất lớn. Không những thế, với ngành nghề chủ yếu dành cho nam giới này đòi hỏi cần có sức khỏe, thể lực tốt, lòng kiên trì và sự năng động, nhưng Mai đã từng bước khẳng định bản thân không hề thua kém các bạn nam. Ngoài chăm chỉ nghe giảng lý thuyết, Mai dành nhiều thời gian rảnh để vào xưởng thực hành. Nhiều hôm, công việc lôi cuốn, Mai quên ăn, quên thời gian. Gặp những bài thực hành có nhiều chi tiết khó, em chủ động tìm gặp thầy, cô hoặc những người đi trước để tìm đáp án. Muốn theo nghề, ngoài say mê, phải có thể lực, sức khỏe tốt, vì vậy, Mai cũng chịu khó rèn luyện thể dục, thể thao… Không chỉ có kết quả học tập xuất sắc, mà Mai còn khẳng định mình ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tháng 5-2018, nữ sinh này đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học tại hội thảo Quốc tế về vật liệu, máy móc và phương pháp phát triển bền vững. Tại hội thảo này, Mai xuất sắc đạt giải bài báo hay nhất với đề tài “Điều khiển và năng lượng trong phát triển bền vững”.
Cùng với đó, em còn có đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường đã nghiệm thu: “Thiết kế và chế tạo bộ cánh tuabin gió kiểu trục thẳng đứng công suất nhỏ hơn 100W”. Mai chia sẻ, việc sản xuất năng lượng sạch từ gió đang là xu thế của thế giới. Thực tế trên thế giới chủ yếu nghiên cứu và sản xuất bộ cánh tuabin gió kiểu trục ngang còn trục thẳng rất ít. Với thiết kế trục thẳng đứng có nhiều ưu điểm hơn trục ngang vì không bị phụ thuộc vào hướng gió và phù hợp với môi trường thành thị. “Khi bắt tay vào nghiên cứu ở mảng này, em cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu nghiên cứu cũng như thiết kế. Được sự hỗ trợ, động viên, tư vấn tích cực của các thầy, cô trong trường, em đã cố gắng hoàn thành được các đề tài này”, Mai cho biết thêm.
Chọn con đường chủ yếu dành cho nam giới, Mai cho rằng, muốn thành công phải nỗ lực, đam mê hơn gấp bội. Đây chỉ mới là những kết quả bước đầu trên bước đường trở thành một kỹ sư cơ khí. Thần tượng của Mai là nhà khoa học nữ lỗi lạc Marie Curie. Với Mai đó là một tấm gương, một động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức để chinh phục những mục tiêu đã lựa chọn. Mới đây, Hồng Mai giành học bổng toàn phần Trường Đại học Quốc gia Gyeongsang, Hàn Quốc, bậc Thạc sỹ. Dự kiến tháng 3 tới, Mai sẽ lên đường du học. Đây là cơ hội để nữ sinh viên ngành cơ khí của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên mở mang hiểu biết, tiếp tục theo đuổi đam mê mà mình đã chọn.
Chia sẻ về ước mơ và những dự định trong tương lai, Mai cho biết: “Sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ tại Hàn Quốc, em mong muốn quay về quê nhà để trở thành giảng viên và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu các thiết bị cơ khí, làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ cho việc sản xuất các loại máy móc tân tiến, đóng góp một phần nhỏ công sức cho quê hương mình”.