Lên rừng gặp triệu phú

10:22, 09/01/2019

Những ngày Đông giá, vùng đất xã Yên Trạch (Phú Lương) chìm trong màn sương mỏng. Hơi lạnh của ngày Đông gợi nhắc “người ta” thèm nhớ một hơi ấm của chén trà. Như đọc được suy nghĩ của tôi, đồng chí Nguyễn Công Đảm, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Tại địa phương, một trong những người làm chè ngon nhất phải kể tới ông Nguyễn Văn Sự, ở xóm Na Pháng.

Ông Sự không phải là nghệ nhân làm chè, cũng không phải là nghệ nhân ẩm trà. Ông được nhiều người trong vùng biết đến vì là người “có của ăn, của để”. Ở xã thuộc vùng 135 như Yên Trạch, số hộ đạt thu nhập ở mức 200 triệu/năm như gia đình ông Sự được coi là của hiếm. Ông Sự chia sẻ: Vốn liếng làm ăn của tôi là 2 bàn tay, sức khỏe và tính cần cù. Vì toàn bộ đất đai sản xuất của gia đình đều do được hưởng thừa kế của các cụ thân sinh nhượng lại.

Bên ấm trà nóng, cụ Nguyễn Công Chính, bố đẻ ông Sự cho biết: Ngày trước, toàn bộ khu đất là rừng cọ, và các loại cây vườn tạp có giá trị kinh tế thấp. Tiếng là nhà có nhiều đất, nhưng cuộc sống khó khăn vì gia đình không có vốn đầu tư, chưa biết quy hoạch đất sản xuất hợp lý, cứ mặc kệ để “giời - đất” cho gì ăn nấy, nên khó nghèo cứ luẩn quẩn cùng năm tháng. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Trọng Luyến, người cùng xóm cho biết: Ông Sự không chỉ là nông dân năng động, chịu khó, mà còn tích cực giúp đỡ bà con trong vùng kinh nghiệm sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, nhất là kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè an toàn.

Đúng thời kỳ chè đang cho thu hoạch, nhà ông Sự người ra, vào vui như “ngày hội xuống đồng”. Tôi cũng lây niềm vui mùa vụ của bà con, tự khoác chiếc sọt lên đồi để trải nghiệm, và để được trò chuyện với người dân trồng chè. Nhờ đó tôi biết được ở vùng quê Yên Trạch, nông dân vẫn giữ được lề thói đổi công giúp nhau sản xuất, như việc trồng cấy hoặc thu hoạch mùa vụ. Việc thu hoạch chè ở nhà ông Sự cũng vậy, bà con đến làm đổi công, làm hộ nhau chứ không phải đến hái chè thuê lấy tiền công.

Từ triền đồi dốc sau nhà ông Sự, tôi phóng mắt nhìn bao quát một vùng đất khá rộng của xóm Na Pháng. Nói khá rộng, vì ở đây địa thế đất đai phức tạp, đồi cao, khe sâu và ruộng rẫy đan cài. Và bởi một thời đây là vùng đất cằn cỗi, độ màu mỡ của đất bị mưa bào mòn, cây trồng cho năng suất không cao...

 Ông Sự chia sẻ: Được bố mẹ giao quyền cho quản lý sử dụng một khu đất rộng rãi này, ban đầu tôi băn khoăn vì chưa biết làm gì, rồi một lần nghe bọn trẻ trong xóm đọc “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều nên đã đến các xã lân cận xem “người ta” làm giàu. Và tôi nhận ra mình đang sở hữu một cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế gia đình, đó là đất đai.

Vậy là ông bắt đầu chú tâm đến việc quy hoạch,cải tạo lại đất đai sản xuất của gia đình. Nơi đất cao, dốcông đầu tư trồng rừng sản xuất; các vạt đồi thoải dài ông đầu tư trồng chè và trồng xen cây ăn quả; chỗ đất thuận nước san bạt bừa bằng làm ruộng cấy lúa; khu đất trũng ông cải tạo làm ao thả cá... Ông Sự cho biết: Chính thức từ năm 1999, tôi bắt đầu phá thế độc canh cây lúa bằng cách lên đồi phá bỏ đi những cây cọ xù xì và cây tạp để trồng chè, trồng rừng. Vốn liếng mua cây giống chủ yếu từ tiền bán thóc, bán gà và cần kiệm chi tiêu trong gia đình mà có. Rồi khi mùa vụ thư nhàn, tôi tranh thủ cải tạo lại ao nuôi cá. Mất gần 10 năm cải tạo vườn đồi, ao trũng, mô hình kinh tế gia đình mới định hình xong, gồm hơn 1.000m2 ruộng cấy lúa, gần 3.000m2 ao thả cá, hơn 7.000m2 rừng sản xuất và gần 4.000m2 đất chè.

Để làm chủ công việc sản xuất, ông Sự tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng rừng; trồng chè, chế biến chè an toàn; nuôi trồng thủy sản và cấy lúa giống mới do địa phương tổ chức. Hỏi chuyện thu nhập, ông ngần ngại, bảo: Nông dân chúng tôi không biết ghi sổ sách về thu nhập, chi tiêu trong gia đình, chỉ biết “trông trời, trông đất, trông mây”, và làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông... Nhưng gạn hỏi mãi rồi ông cũng “thống kê” về kết quả lao động của gia đình: Bình quân 1 năm thu hoạch được hơn 1 tấn thóc; 9 lứa chè cho thu hái, sao suốt được gần 1,5 tấn; cá thu đạt khoảng 3 tạ và vườn rừng sản xuất cây nào cũng đều tắp, đầy 4 năm tuổi.

Mải chuyện, trời tối nhọ mặt từ khi nào. Trong sân nhà ông Sự lại ríu ran tiếng cười nói của bà con vừa đi thu hái chè ngoài đồi về. Để chè không bị ôi ngốt, bếp lò nhà ông Sự bắt đầu nổi lửa. 2 máy tôn quay chạy ù ù, tiếng chè ném vào lò kêu rào rào. Rồi máy vò chè bằng động cơ điện quay tít... tất cả những âm thanh ấy tạo nên một không khí sôi động. Khi ấy, tôi nhận ra trên khuôn mặt ông Sự có những giọt mồ hôi rơi giữa mùa Đông.