Mô hình trồng măng tây đầu tiên trên đất Sông Công

15:32, 25/12/2018

Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cuối năm 2017, anh Tạ Xuân Bằng (sinh năm 1988), ở xóm Vinh Quang 1, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây măng tây trên đồng đất địa phương. Đây là mô hình măng tây đầu tiên trên địa bàn T.P Sông Công bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giúp gia đình anh Bằng có thêm nguồn thu nhập từ loại cây này.

Dù đã hẹn trước, nhưng chúng tôi vẫn phải ngồi đợi anh Bằng. Anh giải thích lý do trễ hẹn vì vừa hết giờ làm ở công ty nên mong chúng tôi thông cảm. Chúng tôi thắc mắc, hỏi: “Vì sao anh vừa đi làm ở công ty mà lại có thời gian trồng cây măng tây?”, anh Bằng chia sẻ: Trước đây, tôi học ngành Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Ra trường, tôi xin vào làm công nhân cho Công ty TNHH MTV Diezel Sông Công. Tuy nhiên, từ lâu tôi đã có niềm đam mê với nông nghiệp nên tôi đã đi tham quan một số mô hình sản  xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tôi nghĩ, người nông dân có đất để sản xuất nông nghiệp thì tại sao mình có đất mà không phát huy được tiềm năng? Và nếu chỉ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp địa phương nào cũng có thì sẽ không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu, mua giống cây măng tây ở Trường Đại học Nông lâm Hà Nội (với giá 12.000 đồng/cây) và trồng thử nghiệm vì đây là loại cây có chứa nhiều vitamin, chất ngăn ngừa sự lão hóa, chất chống ung thư và có giá bán tương đối cao.

Quan sát xung quanh khuôn viên vườn, chúng tôi thấy toàn bộ diện tích hơn 4.000m2 của gia đình được quy hoạch gọn gàng, khoa học. Trong đó, có trên 3.000m2 đất được anh Bằng sử dụng để trồng cây măng tây (khoảng trên 3.200 cây). Dẫn chúng tôi đi vào giữa các luống măng tây với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động vừa được đầu tư 25 triệu đồng , anh Bằng giới thiệu: Măng tây là cây thuộc họ rau (lấy mầm để chế biến món ăn), thích hợp trồng trên đất pha cát. Nếu thời tiết mưa nhiều, cây sẽ bị bệnh nấm củ, rất khó chữa. Vì vậy, lại mất thêm thời gian “dưỡng cây” (tức thu hoạch 1 tháng xong dừng lại để chăm sóc cây 1 tháng). Bởi thế, thời gian đầu, tôi mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây trên các trang báo mạng Internet để hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây.

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cách trồng, chăm sóc cây măng tây, đến nay, sau hơn 1 năm đưa loại cây này vào trồng trên diện tích đất của gia đình, bước đầu mô hình măng tây của anh Bằng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình 1 ngày, anh thu hoạch khoảng 15kg. Với giá bán 100.000 đồng/kg, 1 năm (trừ 6 tháng dưỡng cây), anh Bằng có thêm thu nhập trên 200 triệu đồng. Theo tìm hiểu của anh, độ bền của cây măng tây từ 7-10 năm (nếu biết cách chăm sóc). Vì thế, sau thời gian đó, toàn bộ diện tích măng tây hiện nay mới phải phá bỏ để thay thế cây mới.

Khi chúng tôi hỏi về thị trường tiêu thụ đối với loại cây này, anh Bằng trăn trở: Đây là một loại cây khá mới và có giá thành đắt hơn nhiều so với các loại rau thông thường, do vậy, trước mắt tôi đang trực tiếp giới thiệu tới người dân và các cửa hàng sản phẩm an toàn trên địa bàn để người dân biết đến nhiều hơn về giá trị dinh dưỡng cũng như những tác dụng của cây mang lại. Về lâu dài, khi sản lượng cây ổn định, tôi dự định sẽ liên hệ để đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, để vào được các siêu thị trên địa bàn tỉnh, tôi mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh, Thành phố quan tâm, liên kết tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định.

Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Bằng cho biết thêm: Cây măng tây sẽ không cho năng suất cao nếu trồng ở ngoài điều kiện tự nhiên bởi ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng (khoảng 400 triệu) để làm chủ thời tiết, nâng cao năng suất và tính ổn định cho sản phẩm. Tuy nhiên, để đầu tư được như vậy không phải là điều đơn giản, dễ thực hiện…

Chúng tôi hy vọng niềm đam mê với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chàng công nhân cơ khí sẽ sớm trở thành hiện thực. Để rồi, từ mô hình này, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh sẽ tham quan, học hỏi kinh nghiệm, trồng và có thêm nguồn thu nhập; người tiêu dùng sẽ có thêm nguồn thực phẩm dinh dưỡng bổ sung cho bữa ăn hàng ngày của gia đình…