Chuyện “ông gàn” lên núi làm trang trại

17:15, 23/12/2018

Nhiều người khi thấy vợ chồng anh bỏ ra hơn nửa tỷ đồng để mua mấy hec ta đất tận cùng trong núi đá đều bảo là hâm. Nhưng hơn 3 năm qua, khi chứng kiến vợ chồng anh dựng được cơ ngơi khang trang, có trang trại theo mô hình VAC-R bước đầu có thu nhập khá thì cái nhìn của họ đã thay đổi. Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Dương Viết Huynh, xóm Ó, xã Yên Lạc (Phú Lương).

Anh Dương Viết Huynh sinh năm 1967, hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Yên Lạc (Phú Lương). Trước đó, anh đã có 15 là công chức văn hóa - xã hội của xã. Anh bảo: “Gia đình tôi trước ở khu trung tâm xóm Ó. 10 năm trước, vợ chồng tôi nhận phần đất cha mẹ chia cho và trồng 10ha keo lai. Năm 2015, lứa keo được thu hoạch, tôi bán mấy hec ta được hơn 1,2 tỷ đồng. Tiền bán keo, ngoài chi tiêu trong nhà, chia cho các con học hành, làm ăn, vợ chồng tôi bàn bạc mua 8ha đất phía cuối xóm với dự định làm trang trại”.

Phần đất vợ chồng anh Huynh bỏ tiền mua nằm cuối xóm Ó, xã Yên Lạc, giáp ranh với xã Quảng Chu của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, trước đây mọi người vẫn bảo là nơi "khỉ ho, cò gáy". Khoảng cánh từ trung tâm xóm vào đến phần đất này gần 3km thì hơn 1km do núi đá ngăn cách nên chưa hình thành đường đi. Sau khi mua đất, vợ chồng anh Huynh đã bỏ mấy tháng trời, thuê hàng trăm nhân công mua sỉ than, nghiền đá san đường mới có đường đi như hiện nay.

Vào đến trang trại của gia đình anh Huynh, chúng tôi thấy một căn nhà cấp 4 xây kiên cố và một ngôi nhà sàn giản dị. Trước nhà là khu đất được san bằng để trồng mấy trăm gốc bưởi Diễn và giống hồng Bắc Kạn. Dưới chân núi và bao quanh các hang động, vợ chồng anh phát cỏ, san đất trồng gần 2ha ngô để chăn bò và trên 100 con gà.

Gần đó, anh thuê người đào mấy sào ao thả các loại cá. Phía sau nhà anh chị dựng khu chuồng nuôi 15 con bò và 30 con dê. Phần đất bên trái nhà, chị trồng một vườn rau nho nhỏ, có đủ cả các loại theo mùa: xà lách, rau mùi, rau cải, rau ngót, hành lá xanh tốt... Để có nước sinh hoạt, anh xây bể trên núi rồi dùng đường ống dẫn nước xuống. Anh Huynh bảo: “Cơ ngơi này, trang trại này, phần nhiều do công sức của vợ tôi mà nên”. Nghe vậy, chị Nguyễn Thị Hiền, vợ anh Huynh ngại ngùng nói: “Anh ấy cứ trêu chứ công sức của anh ấy là lớn nhất. Đi làm thì chớ, về nhà là anh ấy sắn tay sắn chân cùng vợ lao động”.

Một ngày ở trong lũng Mai, tham quan trang trại của anh chị Huynh Hiền, tôi chẳng nỡ về. Tôi nhẩm tính, hiện anh Huynh đang sở hữu 15ha keo lai từ 3-5 tuổi, chỉ 2-5 năm nữa khi được thu hoạch sẽ cầm chắc trong tay số tiền hơn 2 tỷ đồng. Chưa kể, mô hình vườn ao chuồng, cây ăn quả của vợ chồng anh sắp tới cũng hái ra bạc triệu. Anh không nói ra nhưng tôi biết, giờ cái biệt danh “Huynh hâm, Huynh gàn” mọi người đặt cho anh khi mới vào tận cùng núi đá làm trang trại đã không còn, thay vào đó là sự cảm phục về tinh thần lao động hăng say, dám nghĩ dám làm đáng học hỏi của vợ chồng anh chị.