Các điểm di tích trên quê hương của Vua Lý Nam Đế, vị vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tại xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là điểm đến đầy ý nghĩa trong hành trình du lịch trở về cội nguồn.
Vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra và lưu dấu tuổi thơ của bậc Đế vương xưa đổi thay từng ngày và ngời ngợi muôn sắc màu vi diệu. Trên ngọn núi thế long ngự đài sen, ngôi chùa Hương Ấp cổ kính phảng phất ánh hào quang huyền bí, kì ảo. Giữa làn khói nhang trầm mặc về trời, hình bóng Tiên Đế và lời người như đang ngân vọng.
Theo các nguồn sử liệu, Lý Nam Đế sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17/10/503), tên húy hồi nhỏ là Lý Bí, sách cũ còn gọi là Lý Bôn (có nghĩa là dũng cảm, nhanh nhạy) - vị vua đầu tiên của nước ta, người lập ra nước Vạn Xuân cách đây 15 thế kỷ.
Tương truyền khi 5 tuổi, Lý Bí mồ côi cha; 7 tuổi, mẹ qua đời. Lý Bí sang ở với chú ruột. Pháp Tổ thiền sư chùa Hương Ấp thấy Lý Bí có diện mạo khác thường nên xin đón về làm con nuôi cửa Phật để dạy bảo học hành. Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, tư chất khác người. Nhờ có văn võ song toàn, Lý Bí sớm được tôn lên làm thủ lĩnh một vùng. Bất bình với bọn quan lại đô hộ tàn ác, ông đã chiêu binh, liên kết với nhiều hào kiệt, tù trưởng giỏi khác chống lại quan, quân đô hộ nhà Lương tại Giao Châu...
Ngày 12/01/544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân; thành lập triều đình với hai ban văn, võ; dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội; chính thức chấm dứt ách đô hộ của ngoại bang, xác lập chủ quyền quốc gia, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chùa Hương Ấp tọa lạc tại ấp Thái Bình (nay là xóm Định Thành, thôn Cổ Pháp) xưa thuộc châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc. Ngôi chùa có tường bằng đá ong, mái lợp ngói, 4 góc mái có đầu đao cong. Phần nóc của Chùa đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Đây là nơi thờ Phật, thờ Pháp Tổ thiền sư và Vua Lý Nam Đế. Bên phải Chùa có ngôi nhà 3 gian là nơi thờ Mẫu; phía dưới có ngôi nhà khánh tiết dùng để tiếp khách trong những ngày Chùa có lễ hội.
Từ trên núi chùa nhìn về phía Tây, trước mặt là khu đồng rộng, tương truyền là nơi xưa kia trước khi diễn ra cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Lương, Lý Bí đã bí mật chiêu mộ trai tráng luyện quân (nên gọi là Đồng Tráng) phía bên phải khoảng 500m theo đường chim bay là 1 núi nhỏ có tên Cao Vương (còn gọi là núi Khao Vương). Tương truyền khi lên ngôi, Lý Nam Đế về bái tạ quê nhà và khao quân. Phía trước Chùa có ngòi Gạo, gò Cỗ Xôi. Trong khuôn viên Chùa có giếng Ngọc (còn gọi là giếng Thần), hơn ngàn năm nay, nước bốn mùa trong mát. Tại thôn Cổ Pháp, còn có các địa danh liên quan đến sự phát tích của Vua Lý Nam Đế như gò Đống, gò Nghiên, bãi Quần Ngựa.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chùa Hương Ấp vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý giá, như: 1 bia đá “Bản giáp hậu bi ký” thời Nguyễn; 1 bia đá chữ đã mòn thời Nguyễn; 26 di vật cổ thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và 5 đĩa sứ tráng men (men dạn có vẽ lam), 2 bình vôi cổ, 1 bát hương cổ men da lươn thuộc thời kỳ phong kiến (thế kỷ 15 -19) ...
Tại xã Tiên Phong, ngoài chùa Hương Ấp là một trong những di tích gắn với thời thơ ấu của nhà Vua, còn có đền Mục thờ Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với nhà Vua.
Để tỏ lòng tri ân vị Hoàng Đế đầu tiên của dân tộc, hàng năm, vào các ngày: 12-9 (ngày sinh); 12-1 (ngày lên ngôi Hoàng đế); 2-5 (ngày giỗ), bà con trong vùng và tăng ni, phật thử thập phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Vua.
Khu di tích Lý Nam Đế (gồm chùa Hương Ấp, đền Mục, chùa Mãn Tăng) có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng không những của Thái Nguyên mà còn của quốc gia. Năm 2014, chùa Hương Ấp và đền Mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia; năm 2016, chùa Mãn Tăng được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Làng quê hội tụ linh khí của đất trời trong hình sông thế núi, trong muôn áng hùng văn, huyền tích sẽ mãi là miền hoài cảm linh thiêng trong muôn triệu trái tim con Lạc, cháu Hồng trên mọi miền Tổ quốc và là điểm đến ý nghĩa trong hành trình về nguồn cội.