Nằm ở phía Đông của dãy Tam Đảo, nơi khí hậu ôn hòa, xã Quân Chu (Đại Từ) được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều loại thảo dược tự nhiên quý. Các loại rễ, thân, lá… của cây rừng đã được đôi bàn tay của người Dao nơi đây chắt lọc, kết tinh thành cao lá - thứ thuốc đen đặc, quánh dẻo, dùng để chữa một số bệnh, bồi bổ cơ thể.
Không rõ đồng bào Dao biết nấu cao lá từ bao giờ, bà Dương Thị Thuận, ở xóm Hòa Bình chỉ biết rằng bà được truyền cho bí quyết sau khi về nhà chồng. Bà Thuận kể: Khó mà kể hết những gian truân khi đi tìm dược liệu, bởi phải băng suối, vào sâu trong rừng mới tìm được thuốc quý. Nhiều khi chúng tôi phải đi nửa tháng đến cả tháng mới tìm được đủ các loại thảo dược cho một bài thuốc. Có loại lấy lá, cành, loại lại lấy hoa, lấy rễ..., có cây mọc cao trên núi, cây lại mọc men theo bờ suối, nhiều loại lá chỉ có ở những thời điểm nhất định trong năm. Người tìm thuốc phải tinh tường, thuộc các loại dược liệu bởi nhiều loại cây có hình dáng tương tự, nếu không hiểu biết thì rất dễ nhầm lẫn.
Dược liệu mang từ rừng về được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô. Khi đã đủ số dược liệu cần thiết cho một mẻ cao thì người dân cho toàn bộ vào một chiếc chảo lớn, sâu lòng và đổ nước đầy đến miệng chảo.
Trung bình, 100kg dược liệu sẽ nấu được khoảng 8kg cao và mỗi chảo lá thuốc như vậy sẽ cho 1kg cao lá thành phẩm. Để dược liệu tiết ra hết tinh túy, người nấu phải thực hiện liên tục các khâu nấu, lọc trong 7 ngày 7 đêm, đồng nghĩa với từng đó thời gian không ngủ để đứng quấy thuốc liên tục, canh lửa cho đều.
Các công đoạn nấu cao cứ liên tục nên các thành viên trong nhà phải thay phiên nhau trực và thức đêm cho đến lúc nào từng mẻ cao hoàn thành, đổ ra khuôn mới được nghỉ ngơi. Cao sau khi đã cứng lại và định hình trong khuôn được cắt thành miếng to, nhỏ tuỳ theo đơn hàng của người mua.
Là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề thuốc, bà Triệu Thị Phượng ở xóm Vang thông thạo các loại cây thuốc từ năm 13 tuổi. Chia sẻ bí quyết làm cao với chúng tôi, bà nói: Để có được cao tốt, khi quấy cao phải đều tay, không để cao bén nồi, lửa cũng phải cho đều, biết lúc nào hạ lửa, lúc nào cho lửa cháy to. Như vậy mới chắt được cái tinh túy từ các loại cây thuốc khi chúng đã nhừ, tan mịn trong nước. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi nấu cao 3 lần, mỗi lần được trên 10kg cao thành phẩm. Giá trung bình 200 nghìn đồng/lạng. Có loại cao được tạo thành từ 15-20 loại cây thuốc, có loại phải kết hợp từ hơn 100 thảo dược thì mới đủ vị, dùng chữa bệnh, bồi bổ gan, dạ dày, thận, đại tràng… Đó là lý do nhiều người đặt tên “Cao bách thảo”. Đặc biệt, mỗi người Dao khi được truyền nghề thì đều được răn dạy phải làm thuốc bằng cái tâm của mình, bệnh nào chữa được thì nói chữa được, tuyệt đối không sai lời.
Cứ như vậy, nghề làm cao lá ở Quân Chu được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, những em bé lớn lên được ông bà, bố mẹ dạy cho cách nhận mặt các loại dược liệu. Mỗi gia đình đều lưu giữ sách cổ ghi chép những bài thuốc để truyền lại.
Hiện, xã Quân Chu có trên 20 hộ dân chuyên làm thuốc, tập trung ở các xóm: Vang, Hòa Bình, Chiểm… Tiếng lành đồn xa, người trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh như: Lạng Sơn, Hưng Yên, Đồng Nai… cũng tìm tới đặt mua cao lá.
Tuy nhiên, điều khiến người dân nơi đây lo lắng là nguồn dược liệu trong thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Do vậy, một số người đã cải tạo đất để đưa cây rừng về trồng. Ngoài làm cao, các loại dược liệu còn được thu mua để bán cho những hiệu thuốc Đông y.
Ông Phạm Ngọc Văn, Chủ tịch Hội Đông y huyện Đại Từ cho biết: Không chỉ ở Quân Chu, một số khu vực khác ở Đại Từ, đặc biệt là sườn Đông Tam Đảo, từ lâu người dân đã chế biến cao lá từ các bài thuốc gia truyền nhằm chữa một số bệnh thông thường, bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều loại cao được bán trên thị trường có nguồn gốc khác nhau. Do vậy, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, mua các sản phẩm ở những địa chỉ có uy tín. Người sản xuất, kinh doanh cần đặt cái tâm của mình lên trên hết, không vì lợi ích của bản thân mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác…