Là công dân của thị xã Thái Nguyên từ cuối những năm 50 thế kỷ trước, khi ấy Thái Nguyên là Thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc, đến nay, thành phố Thái Nguyên tròn 60 năm tuổi, tôi thấy mình may mắn được gắn bó, đồng hành với những bước thăng trầm của Thành phố Thép.
Là công dân của thành phố, tôi đã chứng kiến những tháng ngày vùng đất bên sông Cầu oằn mình hứng chịu bom của giặc. Đó là trận ném bom cầu Gia Bẩy ngày 17/10/1965. Giặc Mỹ huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom phá xuống cầu Gia Bẩy và nhiều loạt đoạn tên lửa xuống trận địa pháp cao xạ của Trung đoàn 210 ở xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của chúng vào Thái Nguyên.
Trận bom đã khiến cầu Gia Bẩy bị hỏng hai mố, dầm chủ và dầm bên thượng lưu, hạ lưu bị đứt khiến giao thông qua đây hoàn toàn ngưng trệ. Bom Mỹ đã làm 147 người chết và bị thương; 45 ngôi nhà ở hai bên đầu cầu bị cháy, đổ; ba cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, hai xe ô tô và 10 xe đạp bị phá hủy. 32 cán bộ chiến sĩ trong Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ thương vong (15 người hy sinh).
Đó là trận máy bay Mỹ đánh phá kho xăng cây số 8 (thời đó, chúng tôi gọi là khu vực 3H2), sóng âm thanh khiến không gian chao đảo, mùi khét của khói xăng do mục tiêu đã trúng bom. Rồi từ ngày 18-12 đến 30-12-1972, trận rải thảm nằm trong chiến dịch ném bom Linebacke, một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh khiến Thành phố Thép chìm trong mất mát…
Là công dân thành phố, tôi đã chứng kiến thời thị xã Thái Nguyên có khu trung tâm là một ngã tư nhỏ bé sát với bảo tàng có “Hầm ông Tấn”; có núi Kô Kê với chùm còi báo động mỗi khi có máy bay Mỹ; có Bách hóa Thiếu nhi, cây dạ hương. Sâu chút nữa là đường Đội Cấn, đường Kép Le nơi có ông Xích Khóa với bàn tay vẽ tài hoa.
Gần chùa Phù Liễn là Trường cấp I Đội Cấn. Trục đường từ đồi Yên Ngựa đến ngã tư nhỏ bé có chợ Trâu với cây sấu Sài Gòn cao chót vót, trẻ con không dám trèo, chỉ trông chờ vào những quả rụng. Tiếp đó là cửa hàng bà Năm Hoa, rẽ qua cầu Gia Bẩy sang Đồng Bẩm sẽ gặp đồn điền của Bà Nguyễn Thị Năm (người đã đóng góp khá nhiều vàng cho Chính phủ trong dịp “Tuần lễ vàng” năm 1945).
Đồi Két nước (địa chỉ đỏ, có Di tích Trung đội 2, Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ bảo vệ cầu Gia Bảy). Theo ngã tư xuống phía Nam là cửa hàng ăn (chỉ 2 hào là có một bát phở), rồi cửa hàng kem. khi ấy, bọn trẻ chúng tôi có đứa phải xếp mua kem cho vào phích mang đi bán rong, văng vẳng câu dao: “Ai kem đê!”, “Hào đôi kem đê!”; cửa hàng bành mỳ (loại bánh mỳ vuông nhỏ, ngoài vỏ có tóp mỡ thơm phức); xuôi xuống chút nữa là khu đồi thông để về Khu Gang thép.
Sang hướng Đông là tuyến đường để đến với rạp Quyết Tiến; cầu phao bến Tượng, bến Oánh sang Đồng Bẩm và Linh Nham. Sát ngay ngã tư là Đồn Công an với ông Thanh “béo” mà bọn trẻ chúng tôi rất sợ bị “tóm gáy” mỗi khi có trò nghịch tinh quái; phía bên kia là quầy thuốc lào của cụ Khôi…
Khu trung tâm thành phố ấy giờ đây đã khác rất nhiều với những dãy phố, cửa hàng san sát, với những tòa nhà cao tầng vươn lên như muốn chạm trời xanh và trong tương lai, khu trung tâm sẽ có thêm phố đi bộ với các dịch vụ mua sắm, giải trí mà người dân đang phấn chấn mong sớm được thụ hưởng…
Nhớ về quá khứ, nhìn nhận hiện tại để mơ tới tương lai. Tôi mơ về một thành phố với cơ cấu công nghiệp - du lịch và dịch vụ, mơ về một thành phố bên sông sung túc, phồn vinh. Mơ ước ấy là có cơ sở bởi tôi và những người dân thành phố đã và đang đóng góp một phần sức lực để chung tay xây dựng quê hương mình.
Thành phố tuổi 60, rất đỗi tự hào!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin