Thành phố trong tôi là những kỷ niệm đẹp

Việt Hùng 15:10, 24/09/2022

Không sinh ra ở TP. Thái Nguyên, nhưng hơn 30 năm qua, tôi luôn gắn bó với mảnh đất này. Từng con đường, góc phố, hàng cây… luôn hiện hữu trong tôi với những kỷ niệm khó phai mờ. Được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của thành phố, tôi lại càng thêm yêu “quê hương thứ 2” của mình.  

Tuyến đường Việt Bắc góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến phố vào những giờ cao điểm.
Tuyến đường Việt Bắc góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến phố vào những giờ cao điểm.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Phú Lương, nhưng từ ngày còn bé, hầu như cuối tuần nào tôi cũng được bố, mẹ cho về thăm ông bà ở trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Tôi còn nhớ, đầu những năm 1990, tuyến đường từ huyện về thành phố mấp mô, nhỏ hẹp. Chiếc xe Min xanh bố đèo 2 mẹ con có hôm thủng lốp giữa đường, phải dắt bộ một đoạn dài mới tìm được hiệu để vá. Lần nào “xuống phố”, bố mẹ cũng cho tôi vào công viên, bảo tàng chơi. Khi ấy, trong tâm trí của một đứa trẻ như tôi thành phố đã có nhiều hấp dẫn. Lần nào xuống phố tôi cũng đòi bố mẹ mua cho vé để được ngồi lên chiếc đu quay (ở vị trí Quảng trường Võ Nguyên Giáp bây giờ) khổng lồ, cao tít tận ngọn cây xà cừ cổ thụ. Từ đây, tôi có thể “chiêm ngưỡng” được toàn thành phố nên cảm thấy rất thích thú.

Nhà ông bà nội tôi ở phường Túc Duyên, trước đây, khi Nhà nước chưa thu hồi đất để thực hiện các dự án, nơi đây có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, ruộng rau xanh tít tắp. Tôi còn nhớ mùa mưa năm 1999, một trận “đại hồng thủy” trút xuống, khiến toàn thành phố bị ngập trong biển nước. Riêng phường Túc Duyên - địa phương có vị trí thấp, trũng hơn những nơi khác, nước ngập đến đầu người lớn. Cả gia đình tôi hôm đó về phải gửi xe nhà người quen ở Trung tâm Y tế thành phố để nhờ người cho đi thuyền về nhà bà ở xóm Thái Ninh (nay là tổ 11). Cũng may, vì nằm trên một quả đồi cao hơn so với mặt đường khoảng 2m nên dù nước có ngập đến lưng nhà dân ở đó thì nhà ông bà tôi cũng không ảnh hưởng gì. Cũng nhờ vị trí cao ráo mà mỗi mùa mưa, nước dâng cao, nhà ông bà tôi lại là nơi để cho người dân quanh đó gửi đồ, vật nuôi…, tới khi nước rút mới đến lấy về.

Sau này lớn lên, tôi học đại học ở thành phố (từ năm 2003 đến 2011) nên ở tại nhà ông bà. Bởi thế tôi lại càng có thêm những kỷ niệm đáng nhớ về vùng đất này. Ngoài thời gian học trên trường, tôi cùng bạn bè đạp xe qua từng con phố, thưởng thức các món ăn gắn liền với thời học sinh, sinh viên (bánh mì pate Đồng Quang, chè bưởi bà Huệ, sữa chua Sư phạm…); la cà chợ Thái, chợ sinh viên khu Đại học Sư phạm… Bởi vậy nên gần như từng tuyến đường, góc phố, hàng cây… của thành phố luôn hiện hữu trong ký ức của tôi.

Học xong đại học, tôi may mắn và tự hào khi được công tác trong một cơ quan có vị trí “đắc địa” ở trung tâm thành phố. Do tính chất công việc, tôi ngược xuôi trên những tuyến đường, góc phố nhiều hơn nên được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất chất chứa bao ân tình.

Các tuyến đường trung tâm của thành phố như Cách mạng tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Nha Trang… đã và đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt, gần đây thành phố được đầu tư thêm tuyến đường Việt Bắc (chạy song song với tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội, đi qua một số phường trung tâm như: Quang Trung, Đồng Quang…), đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trong nội thị vào những giờ cao điểm.

Cùng với đó là hàng chục khu dân cư, khu đô thị như: Hồ Xương Rồng (phường Phan Đình Phùng), Danko City (phường Chùa Hang), Crown Villas (phường Gia Sàng)… và các tòa nhà cao tầng “mọc” lên, tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho thành phố. Hệ thống siêu thị, cửa hàng và các loại hình thương mại - dịch vụ hình thành; đời sống của người dân phố thị không ngừng được cải thiện và nâng cao…