Trước đây, khi biết tôi chuyển về sinh sống tại phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, bạn bè không khỏi băn khoăn. Bởi ai cũng biết Túc Duyên là vùng đất phù sa do sông Cầu từ bao đời nay bồi đắp thành các bãi soi, cánh đồng, nhiều khu là vùng lầy thụt quanh năm ngập nước. Cuộc sống vốn đã khó lại càng thêm khó. Nhưng rồi gia đình tôi đã gắn bó với mảnh đất ấy. Và, tình yêu văn chương của tôi cũng bắt đầu từ mảnh đất này.
Túc Duyên là một vùng chuyên canh rau màu và hoa nổi tiếng. Ảnh TL |
Bài thơ “Túc Duyên quê tôi” tôi sáng tác đã vinh dự nhận giải Nhất cuộc thi “Thơ muôn nhà” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Bài thơ viết về Túc Duyên với nhiều cảm xúc của một người con nặng tình quê, ấm tình người: “Túc Duyên quê tôi/Ngàn năm phù sa bồi đắp Rau xanh, xanh phố chợ/Đòn gánh cong, trán vắt mồ hôi/Túc Duyên quê tôi/Mẹ phơi lưng còng góc chợ/Vai cha bỏng rát cuối đồng/Dòng sông mấy khúc lở bồi/Cầu tre vắt qua nắng lửa/Nước tung bọt trắng đầu ghềnh…”.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Túc Duyên đã nhiều lần được thay đổi tên gọi. Nay Túc Duyên là một phường nằm trong khu vực trung tâm thành phố, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của thành phố. Tổng diện tích 2,9km2, hơn 3.300 hộ, hơn 11.000 nhân khẩu, 14 tổ dân phố, 9 dân tộc anh em cùng chung sống. Túc Duyên có tôn giáo chính là đạo Phật và đạo Thiên Chúa (đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm khoảng 45,82%). Phường có hai nhà thờ họ là Họ Oánh và Họ Tam Giang, 1 chùa Đồng Mỗ và 1 đình Túc Tiến…
Những người cao tuổi sinh sống ở thành phố Thái Nguyên chắc hẳn chưa thể quên được những trận lũ lịch sử ở đất này do mực nước Sông Cầu dâng cao. Nhưng khoảng 20 năm trước, đê sông Cầu được xây dựng bằng bê tông, cốt thép kiên cố, vững chắc từ Bến Tượng đến cầu treo Bến Oánh để bảo vệ cho thành phố, Túc Duyên tránh được lũ lụt hàng năm. Đó là một trong những thuận lợi lớn để Túc Duyên phát triển.
Túc Duyên ngày nay mang hình ảnh đầy sức sống của thời kỳ đổi mới. Phường có cấu kinh tế: Thương mại dịch vụ - Tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp, nên về Túc Duyên ta vẫn thấy những đồng đất màu mỡ xanh rau và hoa tươi đơm bông khoe sắc.
Ông Phạm Văn Tuyến, Phó Bí thư Đảng uỷ phường, vui vẻ kể về công việc trồng cấy của người dân Túc Duyên: Với 60ha đất trồng lúa và 302ha đất trồng màu, bà con Túc Duyên ngày nay vẫn giữ nghề nông nhưng là nông nghiệp kỹ thuật cao, chất lượng, an toàn, gắn với thương hiệu, uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Nói về dịch vụ thương mại ở Túc Duyên phải kể đến chợ Túc Duyên, một chợ đầu mối lớn của tỉnh với khoảng 800 tiểu thương, chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và hàng tiêu dùng cho hàng vạn cư dân thành phố Thái Nguyên và các vùng lân cận. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Túc Duyên phát triển đa dạng, phong phú cả về quy mô và hình thức, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương…
Hồi ức Túc Duyên xưa, người ta thường liên tưởng đến những con đường lầy lội, những ngôi nhà lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác... nhưng những năm gần đây, phường đã thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư trên địa bàn. Với hàng loạt các khu dân cư, khu tái định cư…
Âm thanh ngày mới như đang ùa về trên khắp những ngả đường, những ngôi nhà, khu phố. Những con đường, tuyến phố sạch đẹp, văn minh, trạm y tế, trường học được xây mới. Trụ sở phường cũng được nâng cấp khang trang hơn.
Từ các nơi, nhiều người cùng về đây tụ họp, xây nên “mái nhà chung” với tinh thần đoàn kết, đậm đà tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái. Túc Duyên cũng là phường có nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn như: Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Tòa án nhân dân thành phố, Phòng Giáo dục – Đào tạo, Liên đoàn Lao động thành phố, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên...
Đến định cư tại Túc Duyên, đất trời đã gửi trao cho gia đình tôi món quà vô giá. Mảnh đất đầy nắng gió và rộng rãi tình người ấy mãi mãi trong tôi như một miền quê ấm áp nghĩa tình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin