Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn huyện Võ Nhai tăng từ 12,5% (năm 2011) lên hơn 38% (năm 2021). Để có được kết quả này, Võ Nhai đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Bên cạnh các lớp đào tạo nghề, người dân Võ Nhai còn được hỗ trợ tư vấn việc làm ngay tại địa phương. |
Đồng chí Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) huyện Võ Nhai, thông tin: Toàn huyện hiện có trên 51.660 người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động; 19.418 người có việc làm đã qua đào tạo; số người có nhu cầu học nghề đến năm 2025 là khoảng 5.000 người. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng, một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, sở thích và ngành nghề đào tạo. Qua đó, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cho hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đúng với nhu cầu của người dân, hằng năm, huyện Võ Nhai tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo. Cơ sở dạy nghề chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương. Các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên đổi mới chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo, chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo được xây dựng theo khung của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Sở LĐTB-XH.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tham khảo các tài liệu, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn… Việc xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo phù hợp về nội dung và thời gian đào tạo, để bám sát nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học.
Kết quả, từ năm 2017 đến nay, huyện Võ Nhai đã tổ chức 56 lớp dạy nghề cho 1.673 lao động nông thôn, với tổng kinh phí trên 2,845 tỷ đồng. Các đối tượng học nghề đều là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. Lao động nông thôn được đào tạo nâng cao tay nghề với các ngành nghề chính: Trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật chế biến món ăn…
Hình thức đào tạo nghề được đa dạng hóa, như: Đào tạo tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện hoặc đào tạo lưu động tại các xã, xóm, các hợp tác xã… Thông qua các lớp nghề đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề.
Các lớp học đều có giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu tham gia giảng dạy, giải đáp những vướng mắc của học viên; việc đào tạo nghề theo mô hình kết hợp tốt giữa học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, đặc biệt vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, bảo đảm từng học viên thực hành thành thạo các kỹ năng, tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học.
Anh Phan Văn Cẩn, xóm Đồng Bản, xã Bình Long, chia sẻ: Năm 2010, tôi mua 5 con dê về thả trên núi đá gần nhà và cứ duy trì nuôi như vậy trong các năm sau đó nên hiệu quả không cao. Sau khi được tiếp cận kiến thức chăn nuôi từ lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi gia súc, năm 2018, tôi quyết định chuyển sang nuôi dê theo hướng bán chăn thả, với tổng đàn thường xuyên duy trì gần 50 con. Mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường 15-20 con dê thịt và dê giống, cho thu nhập ổn định từ 65-70 triệu đồng.
Cũng từ mô hình của anh Cẩn, đến nay, cả xóm Đồng Bản đã có 30 hộ chăn nuôi dê số lượng lớn, với tổng đàn dê khoảng 500 con. Nhiều hộ nuôi dê thương phẩm cho thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đào tạo nghề nông nghiệp, các lớp đào tạo nghề cơ khí, hàn, sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn được tổ chức tại xã Sảng Mộc đã giúp người lao động nơi đây có thêm kiến thức cơ bản về các loại thiết bị, kỹ thuật phục vụ sinh hoạt, sản suất.
Ông Triệu Trung Tiên, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, cho biết: Trước đây, mỗi khi máy nông nghiệp hỏng hay cần sửa chữa nhà khung sắt, cải tạo nông cụ kim loại… người dân phải đi đón thợ từ nơi khác về, hoặc chờ phiên chợ có tổ dịch vụ cơ khí, sửa chữa máy đến thì mới được tiếp cận. Nhưng hiện nay, xã đã có 3 nhóm tổ dịch vụ cơ khí, sửa chữa máy tại chỗ, thu hút hàng chục lao động đến làm việc, phục vụ tốt nhu cầu của bà con. Không chỉ vậy, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp còn giúp dịch chuyển một phần lao động của xã từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19, mặc dù cơ cấu ngành nghề trong lao động nông thôn vùng cao chuyển biến chưa thật sự rõ nét, nhưng đến nay đã định hướng được chuyển dịch cơ cấu lao động và sự lựa chọn nghề đối với từng hộ gia đình. Đến nay 100% các xã đều đã hình thành các dịch vụ nông, lâm nghiệp, cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp tại chỗ. Nhiều tổ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế được hình thành. 100% thanh niên nông thôn đều chủ động chọn nghề, kể cả “ly nông, nhưng không ly hương”, góp phần phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững. Từ năm 2020, đến nay, huyện đã triển khai đồng bộ Chỉ thị số 19 tới từng khu dân cư, trường học. Hàng năm các trường THCS và THPT đều tổ chức phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đồng thời huyện tổ chức khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo các nghề thuộc nhóm nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; dự báo xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của lao động nông thôn trong nông nghiệp đến đối tượng học sinh lớp 9 (THCS) và lớp 11, 12 THPT trên địa bàn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin