Xây dựng môi trường xanh trong các nhà máy

07:23, 28/11/2020

Là địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp nên vấn đề bảo đảm môi trường xanh trong các nhà máy, khu công nghiệp (KCN) luôn được tỉnh ta chú trọng. Cũng có khoảng thời gian tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nhà máy, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã làm nảy sinh điểm nóng, gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc quản lý, giám sát thực hiện công tác bảo vệ môi trường đã được các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ; lãnh đạo các DN, nhà máy, cơ sở sản xuất cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này, từ đó có nhiều việc làm thiết thực để xây dựng môi trường xanh.

Toàn tỉnh hiện đang quy hoạch diện tích đất trên 2.500ha cho các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, trong số này có những nơi đã hoạt động sản xuất qua nhiều năm, như: Khu Gang thép, Sông Công I, Yên Bình, Điềm Thụy; các mỏ khai thác than ở phía Bắc của tỉnh. Từ thực tế cho thấy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì việc phát sinh các yếu tố gây bất lợi cho môi trường luôn đi liền với quá trình sản xuất, vấn đề là làm thế nào để hạn chế các yếu tố bất lợi đó. Những năm gần đây, việc bảo đảm môi trường xanh trong các nhà máy đã các chủ DN lưu tâm, ưu tiên thực hiện. Nhiều DN còn đưa các tiêu chí xây dựng môi trường xanh, sạch vào quy chế thi đua, khen thưởng, qua đó việc thực hiện dần đi vào nền nếp.

Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG là một ví dụ. Để xây dựng môi trường xanh, Công ty chú trọng xây dựng, phát triển chuỗi các nhà máy của mình theo hướng thân thiện với môi trường. Cuối năm 2019, Công ty công bố chiến dịch “Live Green” (Cuộc sống xanh) và bắt đầu triển khai xây dựng các dự án nhà máy sản xuất công nghiệp xanh. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: Thực hiện chiến dịch này, Công ty lần lượt di chuyển các nhà máy ra xa khỏi khu vực trung tâm đô thị, cùng với đó sẽ xây dựng mới và cải tạo tất cả nhà máy theo tiêu chuẩn kiến trúc xanh, như: Sử dụng các vật liệu sản xuất thân thiện với môi trường, tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, xây dựng hệ sinh thái xanh, quản lý chất thải và ô nhiễm.

Đến nay, Công ty đã xây dựng xong Chi nhánh may TNG Võ Nhai đạt tiêu chuẩn Leed, Chi nhánh may Đồng Hỷ và Chi nhánh sản xuất bông tại KCN Sông Công I (T.P Sông Công) đạt tiêu chuẩn Lotus… Còn ông Lã Anh Chiến, Giám đốc Chi nhánh sản xuất bông (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) cho biết: Với diện tích 14.000m2, Chi nhánh là một trong những tiểu dự án của chiến dịch “Live Green”. Theo đó, Nhà máy được thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống máy làm mát bay hơi trong không gian sản xuất, hệ thống cây xanh được bố trí với mật độ gần 17% diện tích bên ngoài giúp giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm, giảm hiệu ứng nhà kính và tăng hiệu quả chiếu sáng sản xuất... Nhà máy đã được Hội đồng công trình xanh Việt Nam chứng nhận đạt công trình xanh Lotus hạng Bạc.

Chi nhánh sản xuất bông (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) tại Khu công nghiệp Sông Công I được lắp đặt hệ thống làm mát bay hơi trong không gian sản xuất, hệ thống cây xanh được bố trí với mật độ gần 17% diện tích.    

Tương tự, đối với Công ty TNHH Samsung Electronisc Việt Nam Thái Nguyên (KCN Yên Bình, T.X Phổ Yên), tại các văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất của Công ty đều được chứng nhận hệ thống quản lý môi trường và thực hành quản lý sinh thái. Theo đó, các phân xưởng sản xuất của Công ty đều được trang bị thiết bị, máy lọc không khí; các chất thải độc hại đều được đựng trong các thùng chứa ở khu vực lưu giữ, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán ra môi trường bên ngoài. Công ty đã xây dựng các khu đi dạo dạng công viên với hạ tầng cây xanh được bố trí hài hòa giữa khu sản xuất và khu linh kiện, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Tìm hiểu thêm tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài khác như Công ty TNHH KHvatech Hanoi (KCN Điềm Thụy, Phú Bình), Công ty TNHH Mani Hà Nội (T.X Phổ Yên)... chúng tôi nhận thấy, các công ty này không chỉ chú trọng đầu tư các dây chuyền, công nghệ xử lý chất thải, mà còn thực hiện các giải pháp khác như sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, trồng cây xanh, tuyên truyền người lao động thực hiện phân loại rác tại nguồn...

Ngoài các tín hiệu đáng mừng, việc xây dựng môi trường xanh vẫn còn khá nhiều vấn đề đáng lưu tâm, trong đó phải kể đến ý thức của các DN, vì một số nơi vẫn làm theo kiểu chống chế. Lấy ví dụ như hệ thống nghiền đá dăm ở một số mỏ khai thác đá trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tại trạm nghiền luôn thiết kế hệ thống dập bụi nhưng hiếm khi thấy hoạt động, hoặc chỉ hoạt động khi có đoàn kiểm tra tới. Hay như việc xả thải của một số nhà máy, cơ sở sản xuất, vẫn có nơi lợi dụng lúc trời mưa, hoặc dông bão, khí thải, nước thải chưa qua xử lý vẫn được tống thẳng ra môi trường gây ra nhiều hệ lụy. Việc xây dựng thảm cây xanh và môi trường cảnh quan thoáng khí đối với các DN lớn thường dễ làm, còn đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có diện tích nhỏ hẹp rất khó thực hiện do vướng mắc nhiều khâu. Để xử lý tình trạng này, ngoài sự sát sao của cơ quan quản lý, cần sự có sự tự giác cao từ chính DN, bởi đây là vấn đề sống còn, liên quan đến sự phát triển bền vững của cả cộng đồng chứ không chỉ riêng một ai.

Trong quy hoạch chung của tỉnh về phát triển công nghiệp, khu vực T.P Thái Nguyên sẽ chú trọng củng cố vấn đề môi trường và phát triển thêm các ngành công nghiệp sạch; di dời các xí nghiệp công nghiệp nhỏ lẻ gây ô nhiễm đến các CCN tập trung, xác lập hệ thống vành đai cây xanh cách ly KCN Gang thép với khu dân cư. Đối với khu vực T.P Sông Công, sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng khu, CCN, quy hoạch các đệm xanh cách ly, dành tỷ lệ cây xanh thích hợp trong nội bộ khu, CCN. Đối với khu vực T.X Phổ Yên và KCN Yên Bình, thực hiện việc phát triển mới, xây dựng đồng bộ theo hướng hiện đại, sạch, công nghệ cao, hình thành các KCN tập trung gắn với các vùng cây xanh, sinh thái nông nghiệp phụ trợ. Với những định hướng lớn trên cùng tinh thần tự giác, chủ động của các DN, mong rằng thời gian tới, môi trường xanh trong các nhà máy, xí nghiệp sẽ được thực hiện tốt hơn, qua đó bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.