Những tín hiệu vui trong thu hút đầu tư

09:46, 01/01/2021

Sau một thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoảng 2 tháng nay, nhiều nhà đầu tư đã khởi động trở lại các bước chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện việc khảo sát để lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến. Đây được xem là những dấu hiệu tích cực và ý nghĩa trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đang bị suy thoái nặng nề bởi dịch bệnh và nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh không đạt được như kỳ vọng. Càng ý nghĩa hơn khi toàn tỉnh bắt đầu bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Về hoạt động đầu tư, từ cuối tháng 10 đến nay, có thể kể ra những sự kiện đáng nhớ. Đầu tiên là sự kiện UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar (Trung Quốc) và Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 2 (Cộng hòa Liên bang Đức) vào Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên), diễn ra vào ngày 22-10.  

Đây là hai Dự án đều thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, khi đi vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm cho trên 2.000 người lao động mà còn giúp gia tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cụ thể, đối với Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar của Tập đoàn năng lượng Trina dự kiến có tổng mức đầu tư 4.750 tỷ đồng, với quy mô 16,25ha. Đây là dự án chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời và các giải pháp năng lượng thông minh, có công suất hoạt động 256,3 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến, Nhà máy này sẽ khởi công xây dựng từ tháng 1-2021 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2021. Còn Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 2 (Tập đoàn Messer) chuyên sản xuất khí công nghiệp hóa lỏng, có tổng mức đầu tư hơn 535 tỷ đồng, công suất thiết kế 5.000 Nm3/giờ, quy mô 3,73ha, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy, vận hành và cung cấp sản phẩm trong quý II/2021; giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng trạm nạp khí công nghiệp, hóa chất với công suất 1.000 m3/giờ và sẽ vận hành vào quý I/2024. 

Không lâu sau đó là “giao dịch” thành công giữa Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình với DBG Electronics (investment) Limited trong việc ký kết thỏa thuận nguyên tắc thuê lại đất tại Khu công nghiệp Yên Bình để thực hiện Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử.

DBG Electronics là công ty công nghệ cao của Hồng Kông, chuyên nghiên cứu và phát triển thiết bị đầu cuối thông minh, hệ thống liên lạc, điện tử ô tô, internet và các sản phẩm an ninh thông minh. Để triển khai dự án tại Việt Nam, DBG Electronics thuê lại 20ha đất của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình và thuê thêm hơn 15.600m2 nhà xưởng tiêu chuẩn một công ty khác trong 3 năm. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 120 triệu USD; công suất sản xuất khoảng 30 triệu sản phẩm/năm. Theo kế hoạch, tháng 4-2021, Công ty sẽ đưa nhà xưởng tiêu chuẩn đi vào hoạt động. Tháng 10-2021, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 8ha; năm 2022, hoàn thành giai đoạn 2 với diện tích còn lại. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu khi đi vào hoạt động ổn định đạt khoảng 4,5-7 tỷ USD/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 người

E&C cũng đã có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo UBND tỉnh. Đầu tư tại Việt Nam từ năm 2008, sau khi nghiên cứu tìm hiểu về Thái Nguyên, Công ty TNHH MDA E&C đã đề xuất với tỉnh đồng thuận chủ trương, tạo điều kiện để thực hiện các thủ tục khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng Dự án tổ hợp sân golf, khu du lịch sinh thái, khu nhà ở sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Suối Lạnh, thuộc địa bàn xã Thành Công (T.X Phổ Yên). Quy mô dự án khoảng 152ha, với tổng vốn đầu tư tối thiểu khoảng 60 triệu USD.

Cũng trong tháng 11, tỉnh ta còn đón tiếp đại diện lãnh đạo Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel); Công ty CP Hạ tầng và Phát triển đô thị FECON (trực thuộc Công ty CP FECON). Phía Saigontel bày tỏ mong muốn tỉnh sớm chấp thuận chủ trương đầu tư để Công ty triển khai dự án xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình tại địa bàn 3 xã, thị trấn của huyện Phú Bình, gồm: Tân Hòa, Lương Phú và thị trấn Hương Sơn, với diện tích khoảng 900ha. Còn Công ty CP FECON thì có nguyện vọng được đầu tư vào khu công nghiệp Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) với diện tích 105ha, trong thời gian từ 2-3 năm, với tổng mức đầu tư trên 1,6 nghìn tỷ đồng…

Theo ông Song In Soo, Chủ tịch Công ty TNHH MDA E&C: Có nhiều lý do chúng tôi mong muốn được triển khai dự án tại Thái Nguyên. Đầu tiên là vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách Hà Nội hơn 1 giờ đi ô tô; lại nằm trong khu vực có thể kết nối với khu du lịch Đại Lải - Vĩnh Phúc, để hình thành theo chuỗi du lịch. Thái Nguyên cũng đã được người Hàn Quốc biết đến kể từ khi Tập đoàn Samsung có mặt. Tuy nhiên, hiện nhiều người mới chỉ biết đến Thái Nguyên với lĩnh vực phát triển công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh lại có cả lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, một lý do khác cũng không kém phần quan trọng đó là môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, giúp các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng. Khi các thủ tục hoàn thành, dự án sẽ triển khai trong vòng 4 năm…

Có thể nói, thu hút đầu tư hiện vẫn là giải pháp quan trọng giúp tỉnh ta gia tăng giá trị trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, đồng thời nâng cao hơn nữa đời sống của người dân. Vì thế, với những tín hiệu tích cực trong 2 tháng cuối năm tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh cũng như những định hướng đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Nói như đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại các buổi làm việc với nhà đầu tư: Tỉnh luôn chào đón, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh, bởi qua đó cũng sẽ góp phần phát triển KT-XH của địa phương, nhằm hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.