Nỗ lực vượt qua khó khăn

08:52, 09/01/2021

Tính đến cuối năm 2020, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 9,54% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy không đạt mục tiêu đề ra (tăng trưởng từ 12-14%) theo định hướng chỉ đạo từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), song trước sự ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 thì đây vẫn được xem là kết quả ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực vượt khó của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với từng NH thì mức tăng giảm dư nợ tín dụng lại có sự khác biệt khá rõ rệt.

Tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn cho vay của 29 NH trên địa bàn tỉnh (không tính NH Phát triển) đạt 62.307 tỷ đồng, tăng 9,54% (tương ứng 5.452 tỷ đồng) so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, trong số này, có tới 12 NH có mức tăng trưởng âm, từ hơn chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, cá biệt có NH giảm tới trên 700 tỷ đồng. Số NH còn lại có mức tăng trưởng dương, phổ biến từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng. Có 2 NH đạt mức tăng trưởng cao nhất, lên tới trên dưới 1,5 nghìn tỷ đồng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Thái Nguyên.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Năm qua là năm hết sức đặc biệt đối với nền kinh tế nói chung, ngành NH nói riêng. Chưa năm nào, các NH lại phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đến như vậy, cả trong thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, lẫn trong điều kiện, môi trường làm việc. Cũng chưa năm nào, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các NH lại đồng loại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho nhiều khách hàng đến thế, với tổng số khách hàng được hưởng lợi lên tới hàng vạn lượt doanh nghiệp (DN), cá nhân. Và cũng đã rất nhiều năm, khách hàng mới có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp đến thế, chỉ từ 5,5-6%/năm đối với kỳ ngắn hạn; 9-11%/năm đối với kỳ trung, dài hạn (tùy NH và tùy khách hàng). Những điều này đã trở thành động lực quan trọng giúp không ít DN có điều kiện thuận lợi để vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế dần phục hồi, tiếp tục phát triển.

Từ thực tế cho thấy các NH cũng là DN. Mọi hoạt động của NH phụ thuộc rất lớn vào khách hàng. Khi khách hàng phát triển sẽ giúp hoạt động NH phát triển theo, ngược lại, nếu khách hàng gặp “vấn đề”, lập tức sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của NH. Bởi vậy, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước, phần lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người kinh doanh rơi vào trạng thái đình trệ đã khiến nhiều hoạt động của NH bị tác động, trong đó rõ nhất là dư nợ cho vay không thể mở rộng. Chính bởi vậy, vào thời điểm cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 0,69% so với cuối năm 2019 (đây là mức tăng thấp nhất trong vòng hàng chục năm qua). Sau đó, khi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát, sức mua thị trường trong nước tăng trở lại, thì nhu cầu sử dụng vốn của nhiều DN cũng bắt đầu tăng. Tuy nhiên, mức tăng này không đồng đều giữa các DN cũng như NH, mà chỉ tập trung ở một số nhóm khách hàng.

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên phân tích: Tuy là NH có mức tăng dư nợ lớn nhất trên địa bàn, với 1.565 tỷ đồng so với cuối năm 2019 (tương ứng tăng 14,38%) nhưng cũng chỉ chủ yếu tập trung ở một số khách hàng lớn; còn lại phần lớn khách hàng cả DN và cá nhân đều không tăng, hoặc tăng rất ít, thậm chí là giảm dư nợ. Điều này cho thấy hoạt động của phần đông DN vẫn rất khó khăn.

Những tháng gần đây, khối khách hàng sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng đáng kể về dư nợ tại các ngân hàng. Trong ảnh: Gia công các sản phẩm tôn, thép tại Công ty TNHH thép Everich (Phú Bình).

Ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên, là 1 trong số 12 NH có mức tăng trưởng âm phân tích: Do một số khách lớn lớn của Chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nên mặc dù dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt nhưng vẫn khiến cho hoạt động của DN bị đình trệ do không thể xuất, nhập khẩu được hàng hóa. Có những DN, hạn mức tín dụng được cấp lên tới 500-600 tỷ đồng, nhưng có thời điểm dư nợ bằng 0. Trước thực trạng này, một số DN cũng đã chuyển hướng sang thị trường trong nước, nhưng cũng không thể mang lại hiệu quả ngay, mà cần có thời gian để được đón nhận. Trong khi đó, đối với nhóm khách hàng còn lại, phần lớn chỉ có khả năng duy trì được quy mô hiện có, mà ít có điều kiện để mở rộng nên không có nhu cầu tăng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì việc giữ được sự an toàn của nguồn vốn, không làm gia tăng nợ xấu mới là yếu tố quan trọng và cần thiết…

Nhận định về thị trường tín dụng năm 2021, đại diện một số NH cho rằng: Lãi suất tiền gửi và tiền vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như năm 2020, thậm chí có thể thấp hơn, mặc dù sẽ có những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội cả trong và ngoài nước, do thế giới đã dần thích nghi với tình hình của dịch COVID-19; cùng với đó là những dấu hiệu khả quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống loại dịch bệnh này, đặc biệt là việc ngày càng có nhiều nước sản xuất thành công vắc-xin phòng COVID-19. Còn tình hình trong nước, sau đại hội đảng các cấp và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sẽ là luồng sinh khí mới củng cố thêm niềm tin và sự phấn khởi trong DN và người dân về sự phát triển ngày càng đi lên của đất nước. Tuy nhiên, những điều này không đồng nghĩa với việc không còn có những khó khăn phải đối mặt, bởi trên nhiều lĩnh vực, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục mang đến những ảnh hưởng nặng nề, mà phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục… Mặc dù vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào thì mỗi NH nói riêng, toàn hệ thống nói chung đều cần thiết có sự đồng hành, chia sẻ thực sự với khách hàng như những gì đã làm trong năm 2020.