Toàn tỉnh hiện có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 30% dân số. Những năm qua, đồng bào DTTS luôn được tạo điều kiện về mọi mặt để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một trong số đó là ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và “dài hơi” được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Khoảng 7-8 năm về trước, con đường lên xóm người Mông Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) được ví như “đường lên trời” vì quá khó khăn. Nuôi được con gà, trồng được nương rau hoặc thu được hạt bắp, bà con đều phải cho vào gùi, địu trên lưng, bấm từng bước chân qua con đường mòn gập ghềnh đá núi để mang ra chợ xã bán. Cũng bởi thế, cái nghèo cứ đeo bám mãi người dân nơi đây. Nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng khó vươn lên phát triển kinh tế, năm 2014, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng con đường dài 5km từ cầu treo Vân Khánh vào đến tận trung tâm xóm Bản Tèn. Nhờ vậy, giờ đây, khi đến với Bản Tèn người ta không còn mất vài giờ đồng hồ đi bộ như trước mà chỉ cần cho xe máy chạy hơn chục phút đã đến trung tâm xóm. Ông Vương Văn Minh, một cư dân trong xóm hỉ hả: Có đường đẹp đi rồi, người Mông mình không phải vất vả cõng ngô, cõng lợn đi bán nữa mà họ cho xe máy, ô tô vào tận nhà để mua…
Không riêng Bản Tèn, khoảng 10 năm trở lại đây, thông qua các chương trình, chính sách, dự án của Nhà nước, các địa bàn miền núi, vùng cao, có đông đồng bào DTTS sinh sống của tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đơn cử như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (hay còn gọi là Chương trình 135). Giai đoạn 2013-2020, Chương trình đã đầu tư hơn 783 tỷ đồng để xây dựng trên 800 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… cho địa bàn miền núi, vùng cao.
Đường lên xóm người Mông Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trang
Hay như thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037), từ năm 2014 đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành 15 tuyến đường giao thông lên các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài hơn 43km; hoàn thành nhiều công trình điện lưới để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của các xóm, bản ở vùng sâu, vùng xa…
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: 5 năm qua, thông qua Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp với nguồn tài trợ của các cá nhân và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, Thái Nguyên huy động được trên 6.000 tỷ đồng để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng ở khu vực này thay đổi rõ rệt. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 98% các thôn, xóm, bản vùng DTTS có đường giao thông kết nối tới trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm, bản có điện lưới Quốc gia; 99,67% hộ dân vùng núi có điện lưới phục vụ sinh hoạt; 91% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Có thể thấy, thông qua chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của Nhà nước đã giúp cho miền núi, vùng cao của tỉnh ngày càng khởi sắc, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS (từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,95% vào cuối năm 2020). Dù vậy, hiện nay, đồng bào DTTS và miền núi vẫn là “vùng trũng”, còn tụt hậu so với mặt bằng chung của toàn tỉnh khi đang có số hộ nghèo cao nhất, kinh tế chậm phát triển hơn, các dịch vụ xã hội vẫn còn ít… Theo đó, nhu cầu được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn và cần được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Để làm được điều đó, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn đầu tư; duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm độ “bền” của các công trình xây dựng… là việc làm cần thiết. Cùng với đó, tỉnh cần rà soát để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, miền núi phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, điện, trường học, trạm xá, thủy lợi, nhà văn hóa phục vụ nhu cầu của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã vùng cao và các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào… Đặc biệt là tiếp tục huy động được sự đóng góp đối ứng của người dân vùng hưởng lợi và các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thiết yếu ở những địa bàn khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống…