Bứt phá Chỉ số PAPI

11:25, 04/05/2021

Từ vị trí thứ 39 và xếp ở nhóm có điểm trung bình thấp năm 2019, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thái Nguyên đã vươn lên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước, thuộc nhóm có số điểm cao nhất vào năm 2020. Và, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phía sau sự “bứt phá ngoạn mục” này là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, đồng thời thể hiện sự hài lòng của người dân đối với bộ máy chính quyền.

Hiểu một cách khái quát, PAPI là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị, hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, dựa vào cảm nhận, trải nghiệm của người dân về sự hài lòng đối với các dịch vụ công của cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là sản phẩm của sự phối hợp nghiên cứu giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2009. Chỉ số PAPI là nguồn dữ liệu giúp các cấp chính quyền có thêm căn cứ để điều chỉnh, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), phục vụ người dân tốt hơn. Điểm số PAPI được công bố hằng năm và ngày càng được các tỉnh, thành phố coi trọng, là một “tấm gương” phản chiếu hoạt động của chính quyền, đánh giá, kỳ vọng của người dân vào bộ máy công vụ.

Chỉ số PAPI được tổng hợp, đo lường thông qua 8 nội dung thành phần, đó là: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có thể nói, những nội dung khảo sát của Dự án PAPI bao hàm rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp, sát sườn tới cuộc sống hằng ngày của người dân, sự tương tác, ảnh hưởng từ hoạt động của bộ máy chính quyền tới người dân. Điểm số PAPI được tổng hợp qua việc lựa chọn, phỏng vấn khách quan, ngẫu nhiên hàng nghìn người dân ở nhiều khu vực khác nhau. 

Huy động sự tham gia của người dân trong các công việc ở cấp cơ sở và công khai, minh bạch trong việc ra quyết định là 2 nội dung thành phần của Chỉ số PAPI mà Thái Nguyên xếp thứ hạng rất cao trong năm 2020. Trong ảnh: Người dân tham gia làm đường bê tông ở xã Liên Minh (Võ Nhai).

Đối với Thái Nguyên, tính trong 4 năm gần đây: Năm 2017, Chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố; năm 2018 xếp thứ 12; năm 2019 tụt xuống vị trí thứ 39 và năm 2020 nhảy vọt lên vị trí thứ 3. Cụ thể, điểm số PAPI năm 2020 của tỉnh đạt 46.47, tăng 3.27 điểm so với năm 2019 và là tỉnh có sự tăng điểm, thứ hạng mạnh nhất trong cả nước. Thái Nguyên cũng là tỉnh duy nhất có sự tăng điểm ở 6/8 nội dung thành phần của PAPI, ví dụ như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng 26 bậc so với năm 2019, xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố; trách nhiệm giải trình với người dân tăng 18 bậc, xếp thứ 6/63; quản trị điện tử tăng 11 bậc, xếp thứ 2/63; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thủ tục hành chính công đều tăng tới 37 bậc. Riêng nội dung công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, Thái Nguyên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố và được đánh giá là địa phương có cải thiện nhiều nhất trong 2 năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC, nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo) - sự tăng điểm ấn tượng về Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2020 là kết quả từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng tình của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác CCHC; sự coi trọng của các cấp, ngành đối với Chỉ số PAPI.

Ngay sau khi Chỉ số PAPI năm 2019 được công bố, khi tỉnh bị giảm 2,48 điểm so với năm 2018, thứ hạng tụt từ 12 xuống 39, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC và nâng cao Chỉ số PAPI. Đồng thời chỉ đạo xây dựng Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAPI, giao nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các cấp, ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao từng chỉ số nội dung. Mục đích là xây dựng hệ thống hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của công dân; phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào việc xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách, pháp luật; tăng cường đối thoại với người dân; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh từ cơ sở, hạn chế những “điểm nóng”… Từ đó củng cố niềm tin, gia tăng sự hài lòng của người dân đối với chính quyền, đồng thời cải thiện Chỉ số PAPI. Và thực tế đã cho thấy, kết quả tăng điểm ấn tượng trong năm 2020 phần nào phản ánh sự nỗ lực của chính quyền đã được người dân “ghi điểm”.

Tuy vậy, điểm số PAPI năm 2020 của tỉnh vẫn còn nội dung thành phần quản trị môi trường thuộc nhóm có điểm thấp nhất, dù đã tăng đáng kể so với năm trước, đạt 3.171 điểm. Điều này được các chuyên gia của PAPI lý giải do Thái Nguyên là tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp, và cũng phần nào cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường của tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được các cấp, ngành nỗ lực, quan tâm giải quyết hơn nữa. Không riêng nội dung thành phần quản trị môi trường, để Chỉ số PAPI của tỉnh tiếp tục tăng điểm và duy trì thứ hạng cao trong những năm tới chắc chắn cần sự nỗ lực bền bỉ của các cấp, ngành và sự đồng thuận của người dân.