Nâng cao Chỉ số PCI và công cuộc chuyển đổi số: Kỳ 3 - Kỳ vọng Thái Nguyên đứng trong tốp 10

14:38, 06/06/2021

Trong các kỳ trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về kết quả, vị trí của Thái Nguyên ở cả bình diện khái quát chung của Chỉ số PCI cũng như 10 chỉ số thành phần. Theo đó, có những chỉ số được tỉnh thực hiện rất tốt, cần phát huy; bên cạnh đó có những tiêu chí còn kém, cần khắc phục. Tất cả phấn đấu để năm 2021, kỳ vọng Thái Nguyên đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước. Đây không chỉ là mong mỏi của cộng đồng hơn 7.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn mà là của cả tỉnh. Chính lẽ đó, chúng tôi giành  một phần kỳ báo này để tập hợp ý kiến nói đến giải pháp cho năm 2021...

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn và cũng là ý kiến của nhiều DN thì giải pháp quan trọng bậc nhất hiện nay là: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao tỷ lệ áp dụng công nghệ thông tin cấp độ 4 trong việc cấp đăng ký DN. Rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục đăng ký DN. UBND tỉnh Thái Nguyên tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương, Hiệp hội DN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong DN,doanh nhân... Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện, rút ngắn thời gian đăng ký DN, điều chỉnh đăng ký DN, hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN thực hiện nhanh các thủ tục đăng ký. Hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông và minh bạch trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai ở cấp tỉnh. Cắt giảm thủ tục hành chính trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách. Rà soát thủ tục liên quan đến đầu tư sử dụng vốn ngân sách; hoàn thiện, công bố công khai thủ tục về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ quỹ hỗ trợ đầu tư... 

Khi được hỏi về giải pháp để nâng cao chỉ số của Thái Nguyên, Chủ tịch VCCI, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Người đứng đầu UBND tỉnh, huyện; cơ quan cấp sở phải nâng cao trách nhiệm trong giải trình, cung cấp thông tin đến người dân, DN; tham khảo ý kiến người dân, cộng đồng DN trước khi ban hành chính sách liên quan đến người dân, DN; phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội DN; tăng cường vai trò của Hiệp hội DN tỉnh, là đầu mối tập hợp ý kiến các DN hội viên về nội dung cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan, tạo sự gắn kết giữ Nhà nước với DN. 

Tháng 7-2020, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên đã được khai trương và đi vào hoạt động. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành bấm nút khai trương Trung tâm. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh bày tỏ: Thêm một bậc là Thái Nguyên tiến gần đến hoàn thành các tiêu chí của mối quan hệ bình đẳng, minh bạch giữa DN và Nhà nước. Minh bạch năm 2021 có thuận lợi là chúng ta đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS). Khi CĐS đã tốt thì minh bạch,năng xuất sẽ cao.DN có lợi mà tỉnh cũng phát triển ,trong đó tham gia vào giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước còn có HTX và  khu vực kinh tế tư nhân...

Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 31-12 hằng năm được lấy là ngày CĐS tỉnh Thái Nguyên. Nghị quyết số 01-NQ/TU đề ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Mục tiêu cụ thể và cơ bản đến năm 2030 là Chính quyền số với trên 90% dân, DN hài lòng với dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% tại cấp huyện và 70% ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, hạ tầng Internet vạn vật; giảm 30% thủ tục hành chính, mở dữ liệu cho tổ chức, DN. Trên 70% hoạt động thanh, kiểm tra được thực hiện trên môi trường số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó kinh tế số chiếm 30% GRDP; phấn đấu có 3000 DN số. Hình thành và phát triển nhanh một Thái Nguyên là một xã hội số với băng thông rộng cáp quang dịch vụ di động 5G, 80% dân có tài khoản thanh toán điện tử...

Như vậy, chúng ta cùng một lúc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ mới là CĐS và tăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Làm tốt việc nâng điểm các tiêu chí của PCI cũng tác động, bổ sung đến CĐS và ngược lại. Bức tranh kinh tế - xã hội của một tỉnh có nhiều thế mạnh sẽ thay đổi mạnh mẽ và vững chắc nhờ triển khai tốt nhất 2 điểm nhấn này và năm 2021 cũng đánh dấu là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX có kỳ tích.

Nhiệm vụ cụ thể và trước mắt trong việc nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh hiện nay là: Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính Phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); trong đó tập trung triển khai hiệu quả 07 nhóm giải pháp chính đến từng đơn vị ,địa phương. Kế hoạch 74/KH-UBND ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả gặp mặt định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với giới DN thông qua Chương trình Trà - Cà phê doanh nhân hằng tháng theo hướng giản dị, gần gũi để lắng nghe nhằm kịp thời giải quyết các tồn tại vướng mắc của DN một cách thực chất và có ý nghĩa để tạo niềm tin trong cộng đồng DN. Các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh; Ban Truyền thông, Ban Pháp chế của Hiệp hội DN tỉnh tăng cường giới thiệu về thực hiện PCI, CĐS của Thái Nguyên, tạo sức mạnh để phát triển.

(Hết)