Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, 1 bệnh viện Trung ương và 3 bệnh viện ngành. Để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua, các bệnh viện đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực nhằm phát triển y tế chuyên sâu.
Một trong những bệnh viện đi đầu trong phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn tỉnh là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Thời gian qua, Bệnh viện đã tiếp nhận, triển khai hàng loạt các kỹ thuật mới, hiện đại, như: Kỹ thuật ghép thận từ Bệnh viện Quân Y 103 (đã thực hiện thành công 29 ca ghép thận); tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật thay van 2 lá và van động mạch chủ từ Bệnh viện E Hà Nội; phẫu thuật nội soi tai - mũi - họng từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương... Không dừng lại ở đó, các khoa, phòng, trung tâm trong Bệnh viện còn đăng ký triển khai 310 kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả điều trị cao. Đáng nói là Bệnh viện đã khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa, kết nối với 48 bệnh viện đăng ký tham gia. Thông qua đó đã tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được 35 buổi; tổ chức 4 buổi sinh hoạt khoa học phẫu thuật trực tuyến về nội soi tai - mũi - họng cho các bệnh viện tuyến dưới...
Không chỉ riêng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế cũng rất quan tâm phát triển y tế chuyên sâu. Cụ thể như Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang Thép đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương (Bạch Mai, Nội tiết, Phụ sản, Nhi, Nhiệt đới và Tim Hà Nội). Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với nhiều nỗ lực trong phát triển y tế chuyên sâu, các lĩnh vực sản khoa, nhi khoa, tim mạch, hồi sức cấp cứu, chấn thương, ung bướu… của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt là các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện A (đã có trên 1.000 trẻ ra đời bằng sự hỗ trợ của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF); can thiệp tim mạch của Bệnh viện C (chụp mạch vành, đặt stent động mạch vành); hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Gang Thép...
Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Phú Bình mổ nội soi gỡ dính vòi trứng cho bệnh nhân.
Tương tự, thời gian qua, Bệnh viện Quân y 91 đóng chân tại T.X Phổ Yên đã phát triển các kỹ thuật nội soi phế quản; nội soi chẩn đoán và can thiệp tại thực quản, dạ dày, đại tràng; nội soi chẩn đoán tai – mũi - họng, các kỹ thuật vật lý trị liệu; kỹ thuật chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Đặc biệt, Bệnh viện đã lắp đặt hệ thống mạng LIS để quản lý phòng xét nghiệm; lắp đặt và triển khai máy CT-128 lát cắt để chẩn đoán các bệnh lý về thần kinh, sọ xoang, vùng đầu, mặt, cổ, tim, mạch máu tạng và chi, ngực, vùng bụng chậu, xương khớp, mô mềm…; triển khai kỹ thuật chụp CT có tiêm thuốc đối quang. Bệnh viện cũng thường xuyên phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Công tác đầu tư cho y tế chuyên sâu cũng được các bệnh viện tuyến huyện triển khai thực hiện tốt. Như tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình, đơn vị đã triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, như: Chọc hút kim nhỏ tuyến giáp, chọc hút kim nhỏ các khối sưng, khối u dưới da, chọc hút kim nhỏ tuyến nước bọt, chọc hút kim nhỏ mô mềm, xét nghiệm tế bào học áp nhuộm thường quy… Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức, đến thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình là cơ sở y tế tuyến huyện duy nhất của tỉnh thực hiện thành công kỹ thuật tán sỏi niệu quản bằng lazer... Vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện đã cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân ở xã Úc Kỳ (Phú Bình) bị suy thận cấp do sỏi thận, trong đó có viên sỏi nặng gần 400g.
Ngoài ra, một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị để có thể tiếp nhận và phát triển các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám, điều trị các bệnh về tim mạch, gan - mật; cơ xương khớp... Thực tế cho thấy, từ việc phát triển y tế chuyên sâu, chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Minh chứng rõ nét nhất là số lượt người đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đã tăng lên đáng kể, trong đó, những bệnh viện lớn (như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A...) có trên 400 nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh/năm, trên 600 nghìn lượt người điều trị nội trú/năm; các bệnh viện tư nhân cũng có gần 300 nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh/năm... Bên cạnh đó, thông qua phát triển y tế chuyên sâu đã giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại Thái Nguyên.
Có thể khẳng định, phát triển y tế chuyên sâu là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để các kỹ thuật mới, hiện đại được triển khai hiệu quả, việc đào tạo nguồn nhân lực rất cần được các bệnh viện trong tỉnh quan tâm trong thời gian tới.