Xác định khoa học kỹ thuật (KHKT) là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHKT trong lĩnh vực này đã được T.P Sông Công quan tâm thực hiện. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các loại nông sản, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đang dần bị thu hẹp để phục vụ các dự án, công trình thì việc tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT được xem là “chìa khóa” thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Thời gian qua, thành phố tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ KHKT vào tất cả các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, như: Nhà màng, nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt, thụ tinh nhân tạo cho vật nuôi… trong trồng trọt, chăn nuôi. Thành phố cũng khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà trong chuồng kín, hệ thống thức ăn và nước uống được cung cấp bán tự động, chủ động xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh…
Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, cơ quan chuyên môn của thành phố đã phối hợp triển khai 8 dự án, 19 mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi; tổ chức trên 500 lớp tập huấn KHKT cho trên 26.800 lượt người tham gia. Đặc biệt, địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ lắp đặt nhà lưới cho 3 mô hình sản xuất rau, 1 mô hình trồng dưa lưới với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Việc ứng dụng tiến bộ KHKT đã khẳng định ưu thế vượt trội và trở thành yếu tố quyết định để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, qua đó từng bước giúp người dân thay đổi tập quán canh tác cũ, cải thiện thu nhập.
Trang trại nuôi gà của gia đình ông Lê Văn Hồi, ở tổ dân phố Kè, phường Phố Cò (T.P Sông Công) đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, từ đó giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm khoảng 13-20% chi phí.
Thực hiện ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn T.P Sông Công đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân. Đơn cử như từ việc xác định chè là một trong những cây trồng mũi nhọn của địa phương, nên song song với việc vận động nông dân đưa các giống chè lai vào sản xuất, thành phố đã xây dựng trên 100 điểm tưới tiết kiệm nước tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn.
Bà Trần Thị Hồng, một trong những nông dân tiên phong ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trên cây chè ở xóm Chũng Na, xã Bá Xuyên chia sẻ: Ưu điểm khi sử dụng hệ thống tưới này là không tốn công lao động, lượng nước có thể điều chỉnh phù hợp tùy theo từng thời điểm khác nhau, tưới dưới dạng phun sương nên nước phân bố đồng đều, tiết kiệm được 30-50% lượng nước so với cách làm truyền thống. Nhờ ứng dụng phương pháp tưới này, năng suất chè búp tươi vụ đông của gia đình tôi tăng từ 3-5kg/sào/lứa.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, với 90 trang trại và gần 400 gia trại chăn nuôi, người dân trên địa bàn cũng đã chủ động ứng dụng tiến bộ KHKT, góp phần giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Điển hình là việc sử dụng hầm ủ khí sinh học, với trên 1.200 công trình được xây dựng và đang hoạt động tốt. Ngoài ra, việc sử đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà và lợn cũng đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế vi khuẩn gây hại, giúp người dân tiết kiệm khoảng 13-20% chi phí đầu tư.
Ông Lê Văn Hồi, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở tổ dân phố Kè, phường Phố Cò cho hay: Năm 2018, được cơ quan chuyên môn hướng dẫn áp dụng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể. Thay vì 3-4 ngày phải dọn chuồng một lần thì nay, 4 tháng tôi mới phải thay đệm lót. Ngoài ra, đệm lót còn được tận dụng làm phân bón cho cây trồng nên rất tiện lợi.
Việc tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công giai đoạn 2015-2020 đạt 6,5% (kế hoạch là 3,5-4%/năm); giá trị sản xuất trung bình/1ha đất trồng trọt đạt trên 105 triệu đồng (năm 2015 là 80 triệu đồng); thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 42 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thành phố đã có 50ha chè, 40ha cây ăn quả, 5 trang trại lợn, 7 trang trại gà được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 90% diện tích từng vụ...