Chính sách tín dụng linh hoạt: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế

07:50, 09/07/2021

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế, ngành Ngân hàng Thái Nguyên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả nhằm đưa nguồn vốn đến các lĩnh vực, tổ chức, cá nhân có nhu cầu, góp phần tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế. Đồng thời, luôn thận trọng trong công tác quản lý, điều hành tín dụng để kiểm soát rủi ro.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 chi nhánh cấp 1 của các tổ chức tín dụng. Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp kích cầu như: Tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ DN với lãi suất hợp lý; đơn giản và minh bạch hóa quy trình, thủ tục vay vốn… Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tính đến cuối tháng 6-2021 ước đạt 65.200 tỷ đồng, tăng 4,34% so với thời điểm cuối năm 2020.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Ngay sau khi xuất hiện dịch COVID-19, đầu tháng 3-2020, NHNN đã ban hành thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Tiếp đó, ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả tổ chức tín dụng và khách hàng, đồng thời siết chặt các điều kiện cho vay nhằm để bảo chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vào các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là đối tượng vay vốn phát triển sản xuất; tiết kiệm chi phí, sử dụng cơ cấu vốn hợp lý để giảm lãi suất cho vay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng dư nợ được miễn giảm lãi vay là 1.063 tỷ đồng, cho gần 2.800 khách hàng, số lãi được miễn giảm là 1,32 tỷ đồng; tổng dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 4.006 tỷ đồng cho trên 1.400 khách hàng; doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi là gần 16.000 tỷ đồng với 3.860 khách hàng còn dư nợ tại thời điểm 31/5/2021. 

Thời gian qua, các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều ngân hàng để ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO (Đại Từ).

Với phần lớn dư nợ cho vay được “đổ” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc hỗ trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh tỉnh đặc biệt quan tâm ngay từ thời điểm dịch bùng phát vào năm 2020. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 19 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 9.917 tỷ đồng, cho 2.372 khách hàng (chiếm 74,3% trong tổng dư nợ); giữ nguyên nhóm nợ cho 4 khách hàng với dư nợ 156 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi nhánh còn thực hiện tư vấn, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thị trường, cơ hội kinh doanh. 

Là khách hàng lâu năm của BIDV Thái Nguyên, ông Đặng Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Bách Hợp (T.P Thái Nguyên) đánh giá: Dịch COVID-19 đã tác động và làm giảm gần 20% doanh thu của đơn vị. Để ổn định hoạt động kinh doanh, chúng tôi đã đề nghị và được BIDV Thái Nguyên hỗ trợ giảm lãi suất 0,5% đối với khoản vay hiện hữu. Mặc dù mức giảm không quá lớn nhưng cũng đã hỗ trợ phần nào cho DN, nhất là trong bối cảnh giá cả trên thị trường biến động liên tục, một số đối tác chưa thanh toán các đơn hàng, hàng tồn kho chưa kịp xuất bán…

Không riêng khối ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) cũng có những hỗ trợ tích cực đối với những hộ gia đình, cá nhân. Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Yên Minh ở T.X Phổ Yên cho hay: Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 27 khách hàng với tổng dư nợ trên 8 tỷ đồng, giảm lãi suất vay cho 800 khách hàng và thực hiện cho vay mới trên 40 khách hàng với lãi suất ưu đãi. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của Quỹ đạt trên 115 tỷ đồng, tăng hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Cùng với việc hỗ trợ khách hàng để tăng trưởng tín dụng thì theo ông Bùi Văn Khoa, việc đảm bảo chất lượng tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho vay, hạn chế nợ xấu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài của nền kinh tế, các tổ chức tín dụng thực hiện linh hoạt trong cho vay vốn, song không nới lỏng các điều kiện cho vay, các khách hàng có phương án vay vốn làm ăn bài bản luôn được ưu tiên. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn thường xuyên được kiểm soát ở mức thấp, hiện chiếm 1,27%/tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn ngành. 

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, những chính sách ưu đãi kịp thời của các tổ chức tín dụng được xem như “cứu cánh” cho nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những tổ chức tín dụng chưa quan tâm và có chính sách hỗ trợ dành cho khách hàng. Thực tế này rất cần sự quan tâm hơn nữa từ phía ngành Ngân hàng để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.