Định hình đô thị phía Tây Bắc

07:14, 20/07/2021

Đại Từ là huyện ATK với nhiều di tích lịch sử gắn với những nơi Bác Hồ từng sống, làm việc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh... Đây cũng là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có mỏ đa kim lớn nhất cả nước đã đi vào hoạt động, mang lại giá trị kinh tế rất lớn... Với những điều kiện này, việc xây dựng, phát triển huyện Đại Từ trở thành đô thị vệ tinh phía Tây Bắc của Thái Nguyên là mục tiêu trọng tâm được tỉnh và địa phương đề ra. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ cho biết, từ nay đến năm 2030, huyện xác định 3 mốc mục tiêu quan trọng, đó là: Năm 2024 trở thành huyện nông thôn mới, năm 2025 trở thành đô thị loại IV và đến năm 2030 trở thành thị xã trực thuộc tỉnh. Trong đó, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa là tiền đề để xây dựng thị xã. Nhằm đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với các giải pháp phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương.

Đối chiếu với 5 tiêu chuẩn của thị xã trực thuộc tỉnh, đến nay, huyện Đại Từ đã đạt 2 tiêu chuẩn, đó là: Quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Các tiêu chuẩn chưa đạt là: Đơn vị hành chính trực thuộc (còn 1 tiêu chí tỷ lệ số phường đạt trên 50%); đã được công nhận là đô thị loại III hoặc IV và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đây đều là những tiêu chuẩn được đánh giá là khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. 

Tuy vậy, đối với tiêu chuẩn đơn vị hành chính trực thuộc, huyện đã đạt 1 trong 2 tiêu chí của tiêu chuẩn, đó là số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên (Đại Từ hiện có 30 đơn vị hành chính). Trong tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, huyện đạt 4/6 tiêu chí, đó là: Thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; mức tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, huyện có lợi thế phát triển các lĩnh vực phi nông nghiệp (như chế biến chè, phát triển du lịch, thương mại…), có thể trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.

Cùng với lĩnh vực công nghiệp, hiện nay, huyện Đại Từ đang tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Trong ảnh: Người dân xóm Duyên, xã Ký Phú, sản xuất miến dong.

Để đạt tiêu chí tỷ lệ số phường trên 50%, qua rà soát, huyện Đại Từ đánh giá 17 xã, thị trấn có thể trở thành khu vực nội thị trong tương lai. Đến thời điểm này, 16 xã, thị trấn đã đạt 2 tiêu chí cơ bản của phường là diện tích và dân số. Riêng thị trấn Hùng Sơn đã đạt tối đa tiêu chí của phường. Với mục tiêu thay đổi diện mạo trung tâm các xã, tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, tiến tới thành lập các phường, huyện đã quyết định đầu tư gần 35 tỷ đồng để lập quy hoạch chi tiết trung tâm 26 xã. 

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hội thông tin: Đến thời điểm này, xã đã đạt 9/17 tiêu chí trở thành phường. Hiện nay, xã đã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trung tâm xã. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các vùng sản xuất rau an toàn, chè và cây ăn quả, chúng tôi đã dành gần 10ha quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ, từ đó góp phần gia tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, đóng góp tích cực cho ngân sách…

Cùng với huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị thì việc phát triển hạ tầng giao thông với các tuyến quan trọng như: Dự án đường nối QL.37 với ĐT.270 (đoạn qua tổ dân phố An Long); dự án đường nối ĐT.270 với ĐT.261 và cầu An Long; dự án đường Nam sông Công kéo dài… cũng đã được huyện đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư và đang tích cực triển khai thực hiện. Đồng thời, huyện Đại Từ cũng đang tích cực xúc tiến triển khai dự án du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng sườn Đông Tam Đảo… Sau khi được hoàn thiện, những công trình này được kỳ vọng thể hiện được vai trò động lực cho phát triển của địa phương, tạo nền tảng cho sự hình thành của thị xã trong tương lai.

"Có thể nói rằng, bức tranh thị xã trong tương lai đang khá tươi sáng, nhưng kèm theo đó là áp lực đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là việc quản lý quy hoạch, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, công nghệ cao, khai thác lợi thế về tài nguyên di sản, thiên nhiên để thúc đẩy du lịch…” - đồng chí Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ cho biết thêm.