Phát triển y tế thông minh: Điều kiện cần và đủ (kỳ 1)

07:11, 29/07/2021

Với một mạng lưới y tế rộng khắp, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển y tế thông minh mang lại cho ngành Y tế một nền móng quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Mặc dù vậy, thời gian qua, việc chuyển đổi này chưa có sự kết nối đồng bộ, vẫn thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thực tế đó đòi hỏi ngành Y tế cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn, đáp ứng điều kiện cần và đủ để đạt được mục tiêu đề ra. 

Kỳ 1: Đi trước một bước

Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Tiên phong trong ứng dụng CNTT, gần 20 năm qua, ngành Y tế trên địa bàn tỉnh đã tạo được bước chuyển khá lớn trong công cuộc CĐS. Trong đó, hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) từ xa và nền tảng hạ tầng y tế số là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực của ngành trên con đường chinh phục mục tiêu “y tế thông minh”. 

Tuy xa mà… gần

Vừa qua, Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) và các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã thực hiện chẩn đoán, xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp thông qua hệ thống KCB từ xa. Bác sĩ Phạm Thị Thanh, Trạm Y tế xã Văn Lăng chia sẻ: Thông qua hệ thống KCB từ xa, chúng tôi  có thể trực tiếp trao đổi chuyên môn với tuyến trên khi gặp những ca bệnh phức tạp, giúp cho người dân vùng cao được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. 

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, đây là cơ sở y tế tuyến xã đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm mô hình KCB từ xa. Việc triển khai mô hình đã khẳng định bước tiến của ngành Y tế trong thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020-2025. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện đăng ký thực hiện KCB từ xa cho người dân, được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện đầu ngành.  

Bác sĩ Triệu Thị Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quân Chu (Đại Từ) nói: Tuy là khám bệnh từ xa nhưng hiệu quả lại rất gần với người bệnh. Sự kết nối này đã giúp cho cán bộ y tế cơ sở được mở mang kiến thức, tiếp thu thêm kinh nghiệm KCB và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tiến hành khám bệnh từ xa cho nhân dân thông qua hệ thống máy móc thiết bị chuyên dụng.  

Tuyến huyện đi trước một bước

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên: “Khi thực hiện KCB từ xa, các bác sĩ trong Bệnh viện có thể trao đổi, gặp gỡ các thầy thuốc đầu ngành của Việt Nam để cùng hội chẩn, đưa hướng giải quyết phù hợp mà không cần chuyển người bệnh lên tuyến trên”.

Những năm qua, nhiều bệnh tuyến huyện cũng đã mạnh dạn đầu tư về cơ sở vật chất, con người để thực hiện mục tiêu “số hóa”. Một trong những đơn vị đi đầu phải kể đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình. Hiện nay, đơn vị đã có hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đại mức 4. Hệ thống máy tính, mạng máy tính phục vụ cho công tác KCB không ngừng được cải tiến nâng cấp. 90% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng. Các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, phần mềm kế toán, báo cáo thống kê được triển khai có hiệu quả.

 Cùng với đó, một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện như Đại Từ, Định Hóa cũng đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng CNTT để ứng dụng vào công tác quản lý và KCB tại đơn vị.Bệnh viện đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội thông qua hệ thống giám định điện tử. Công tác báo cáo thống kê theo Thông tư số 37/2019/TT-BYT của Bộ Y tế cũng được cập nhật hàng tháng trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế. 

Hình thành nền tảng hạ tầng y tế số

Với 26 đơn vị trực thuộc, 1 bệnh viện Trung ương và 3 bệnh viện ngành đóng trên địa bàn, 5 bệnh viện tư nhân, 13 phòng khám đa khoa tư nhân và hơn 1.000 quầy thuốc, nhà thuốc... đang dần kết nối các dữ liệu đã giúp ngành Y tế Thái Nguyên hình thành nền tảng hạ tầng y tế số. 

Bà Ngô Thị Nụ, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): “Hiện nay, các tài liệu, báo cáo của Trạm được lưu trữ bằng phần mềm quản lý, không còn phải làm thủ công như trước, nhờ đó tiết kiệm được thời gian cho các cán bộ y tế”. 

Năm 2020, mặc dù phải dồn phần lớn lực lượng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, song ngành Y tế đã nỗ lực thực hiện ứng dụng CNTT với những kết quả khả quan: 100% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công mức độ 2, 4; 100% các cơ sở KCB có hệ thống phần mềm quản lý và một số đơn vị triển khai hệ thống LIS, PACS; 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý; 100% nhà thuốc đã kết nối liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia”... Bước đầu công khai trên 62.000 dược phẩm; hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế; hơn 93.000 kết quả đấu thầu; trên 1.000 cơ sở KCB từ xa và công khai giá dịch vụ y tế tại 1.400 cơ sở y tế. 

Trong phòng, chống dịch COVID-19, CNTT đã góp phần rất lớn giúp Thái Nguyên kiểm soát được dịch bệnh khi ứng dụng tờ khai điện tử, truy vết Bluezone, bản đồ an toàn...

Đáng nói là, cùng với việc triển khai bệnh án điện tử với tỷ lệ hơn 30% số bệnh án được số hóa, các bệnh viện tuyến tỉnh đang nỗ lực thực hiện CĐS khá hiệu quả. Bác sĩ Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh nói: Hiện nay, nhóm tiêu chí hạ tầng về CNTT và phần mềm quản lý bệnh viện đã đạt mức 6; nhóm tiêu chí hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, hệ thống xét nghiệm đạt mức nâng cao; triển khai bệnh án điện tử toàn diện; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện; triển khai phần mềm chữ ký số trong quản lý và điều hành. Ngoài ra, Bệnh viện đã xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá thông tin, thực hiện công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân có nhu cầu…

Rõ ràng, ứng dụng CNTT những năm gần đây đã giúp cho công tác quản lý, điều hành, trao đổi dữ liệu trong ngành Y tế được thuận lợi, thông suốt, kịp thời, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc CĐS, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, quá trình CĐS của Ngành vẫn chưa đạt được sự kết nối đồng bộ.

(Còn nữa)