Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Để phát triển các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn, những năm qua, huyện Phú Bình đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hằng năm và triển khai đến các xã, thị trấn. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với các mô hình kinh tế tập thể... nhằm giúp các HTX, THT nắm rõ để áp dụng vào thực tế.
Huyện cũng tăng cường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các HTX, THT. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX, THT tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các HTX nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP…
Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Phú Bình đã phê duyệt 11 dự án hỗ trợ liên kết sản xuất với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng. Huyện cũng phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức 15 lớp tuyên truyền Luật HTX, 7 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật với trên 1.600 người tham gia; hỗ trợ máy móc nông nghiệp cho một số HTX với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng... Qua đó, giúp các HTX, THT có thêm tư liệu, ổn định sản xuất.
Năm 2019, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lương Phú được huyện Phú Bình hỗ trợ kinh phí, đầu tư xây dựng nhà lưới rộng 300m2 để chuyên ươm, cung cấp giống rau cho các thành viên trong HTX.
Theo đó, nhiều HTX, THT được hỗ trợ bằng những hình thức phù hợp, như: HTX Bình Minh ở xóm Náng, xã Nhã Lộng được hỗ trợ 8 tấn phân bón, tập huấn kiến thức trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lương Phú được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới rộng 300m2; HTX ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thanh được hỗ trợ vốn vay ưu đãi...
Chia sẻ về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ trên, ông Phạm Văn Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh, xóm Đồng Chúc, xã Tân Kim chia sẻ: HTX có 13 hộ thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, với tổng diện tích sản xuất là 13ha. Những năm qua, các thành viên của HTX đã được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức sản xuất. Cùng với đó, trong hai năm (2019-2020), chúng tôi được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực, chi trả lương cho thú y viên có trình độ đại học, cao đẳng; được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ gần 60 triệu đồng mua 14 máy tạo ôxi... Nguồn hỗ trợ này đã giúp chúng tôi có thêm tư liệu sản xuất để từng bước hoạt động ổn định.
Với việc đa dạng các hoạt động hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển, đến nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 18 THT và 63 HTX (trong đó, có 47 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là HTX phi nông nghiệp), tăng 29 HTX, 5 THT so với năm 2017. Các THT, HTX trên địa bàn hiện đang tạo việc làm cho trên 1.000 lao động.
Việc hình thành các mô hình kinh tế tập thể đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ, lẻ sang quy mô tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần tích cực trong công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Mặc dù các mô hình kinh tế tập thể có sự phát triển, tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Phú Bình vẫn có một số HTX hoạt động cầm chừng, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, vốn chủ sở hữu thấp. Theo bà Kiều Thị Thao, để khắc phục những tồn tại này Phú Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX; tăng cường các hoạt động nhằm thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại, thu hút các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX; phát triển các trang trại chăn nuôi, trồng trọt với quy mô lớn, tạo nền tảng xây dựng THT, HTX. Đồng thời, phát huy vai trò của các HTX, THT trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)...