Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng với những giải pháp điều hành linh hoạt, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt trên 7.478 tỷ đồng, bằng 61% dự toán Trung ương giao, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, Thái Nguyên là một trong số ít địa phương bảo đảm tiến độ thu ngân sách trong 6 tháng qua (đạt trên 50%) và có mức tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Những tháng đầu năm nay, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của tỉnh, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực để triển khai thu ngân sách với phương châm thu đúng, đủ, kịp thời.
Cùng với việc xây dựng kịch bản thu ngân sách chi tiết cho từng tháng, quý với nhiều phương án cụ thể, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19. Theo đó, toàn bộ các thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế đều được đăng tải bằng clip, văn bản hướng dẫn trên website, Zalo, Facebook của cơ quan thuế các cấp. Đặc biệt, tháng 3-2021, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng và triển khai “Tháng đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2021” với 3 chức năng: Hỗ trợ về chính sách; hỗ trợ về công nghệ thông tin; hỗ trợ về kê khai thuế...
Để việc thu thuế đạt hiệu quả cao, ngành Thuế đã tập trung rà soát, phân loại, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế, tập trung phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ… Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh đã hỗ trợ 553 doanh nghiệp, cá nhân thực hiện gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất với tổng số tiền 393 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Thuế cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, cương quyết thu hồi, cưỡng chế nợ thuế; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về thuế như: Kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp và người nộp thuế tiết kiệm thời gian và chi phí. 6 tháng đầu năm nay, Cục Thuế tỉnh đã tiến hành 174 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của đơn vị, người nộp thuế; tiếp nhận và giải quyết 68 hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền 1.271 tỷ đồng.
Các biện pháp hỗ trợ của ngành Thuế góp phần giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - Chi nhánh Phú Bình.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, tiến độ thu ngân sách bảo đảm theo đúng dự toán năm được giao. Theo đó, tính đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách NSNN toàn tỉnh đạt trên 7.478 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt khá với trên 6.482 tỷ đồng, bằng 68% dự toán Trung ương giao, tăng 19% so với cùng kỳ. Theo thống kê, 17/18 khoản thu nội địa đạt trên 50%, trong đó, một số khoản thu đạt cao so với dự toán như: Thuế thu nhập cá nhân 77% ; thu tiền sử dụng đất 107%; tiền thuê đất 98%; lệ phí trước bạ 62%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 101%...
Tuy nhiên, trái với kết quả thu nội địa, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm lại đạt thấp với 967 tỷ đồng, chỉ bằng 36% dự toán Trung ương giao, giảm 5% so với cùng kỳ. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên - Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh nói: Tác động của đại dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản lượng sản xuất, cũng như giảm xuất, nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ sản xuất. Do đó, trong những tháng đầu năm, một số doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh có số thu ngân sách giảm nhiều, như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (chiếm trên 50% tổng số thu), 5 tháng đầu năm giảm 498 tỷ đồng so với cùng kỳ; Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (chiếm trên gần 10% tổng số thu) giảm 248 tỷ đồng so với cùng kỳ...
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, thì thu NSNN được xem là một trong những điểm sáng trong kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển của tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, những tháng cuối năm, công tác thu NSNN sẽ tiếp tục phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo dự toán Trung ương giao 12.233 tỷ đồng, dự toán HĐND tỉnh giao 15.600 tỷ đồng, những tháng cuối năm, ngành Thuế sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục hỗ trợ và tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp, người nộp thuế; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế...
Đối với hoạt động thu xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác giám sát quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu trên địa bàn; tăng cường kiểm tra sau thông quan, kiểm tra báo cáo quyết toán nhằm hạn chế việc gian lận thuế và thu hồi nợ đọng thuế, tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao, mặt hàng, doanh nghiệp trọng điểm; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách năm 2021, đồng thời không để nợ đọng thuế mới phát sinh…