Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp trong tỉnh. Từ đó, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, công tác này vẫn còn những bất cập, như: Trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị chưa cao; việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) liên thông còn hạn chế; vẫn còn tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC…
Nhiều đơn vị tụt hạng
Theo kết quả UBND tỉnh công bố mới đây về đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, có 8 sở, ngành giảm từ 1 đến 10 bậc so với năm 2019, trong đó giảm sâu nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo với 10 bậc, tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường giảm 8 bậc, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh giảm 6 bậc... Khối huyện có 4/9 huyện, thành giảm từ 1-2 bậc, trong đó huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ giảm 2 bậc; T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình mỗi địa phương giảm 1 bậc.
Nguyên nhân của việc tụt hạng trên là do điểm ở các tiêu chí giảm. Đơn cử như ở tiêu chí Công tác chỉ đạo điều hành CCHC, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Phú Bình có kết quả thấp nhất. Sở Giáo dục & Đào tạo đạt 3,05 điểm/11 điểm; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đạt 2,97 điểm/11 điểm; huyện Phú Bình đạt 5,90 điểm/9 điểm. Nguyên nhân các đơn vị này bị chấm điểm thấp là do chưa thực sự quyết liệt trong triển khai thực hiện CCHC.
Cụ thể là chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc đóng góp các sáng kiến, giải pháp CCHC; chưa kịp thời bố trí các nguồn lực cho công tác CCHC; trong xây dựng kế hoạch CCHC năm, kiểm tra, tuyên truyền, báo cáo thực hiện CCHC tại đơn vị, địa phương còn một số hạn chế... Kết quả đánh giá này phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với hình ảnh, tác phong làm việc của các đơn vị.
Còn tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính
Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Thực hiện nội dụng này, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Người dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “Một cửa” của UBND huyện Định Hóa. Ảnh: Q.T
Tuy vậy, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định, ở một số nơi vẫn còn biểu hiện lơ là, chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý CBCCVC; việc chấp hành giờ giấc làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số CCVC còn chưa nghiêm, còn tình trạng đi muộn, về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ... Điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giải quyết các TTHC và niềm tin của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công vụ của cơ quan Nhà nước.
Đơn cử như tại buổi kiểm tra đột xuất về công tác CCHC tại xã Bảo Linh (Định Hóa) ngày 13/11/2020 của Sở Nội vụ, thời điểm kiểm tra lúc 9 giờ 20 phút, tại Bộ phận “Một cửa” chỉ có 3 công chức (2 công chức tư pháp, 1 công chức địa chính); lịch công tác của lãnh đạo UBND xã trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành chưa được cập nhật; còn có nhiều văn bản xử lý quá hạn trên hệ thống quản lý văn bản điều hành…
Trước đó, ngày 26/6/2020, Tổ công tác của Sở Nội vụ tiến hành kiểm tra tại xã Điềm Thụy (Phú Bình), thời điểm 14 giờ 45 phút, tại Bộ phận “Một cửa” chỉ có 3 công chức, vắng công chức Địa chính - Xây dựng. Việc đeo thẻ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ chưa nghiêm, CBCC không đeo thẻ. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả không có biển tên...
Phấn đấu lọt tốp 10 địa phương đứng đầu về CCHC
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo đồng chí Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ: Nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên hướng tới Chính quyền số. Nhằm đạt được mục tiêu đó, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các quy định của Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố gắn với tinh giản biên chế.
Đồng thời, các đơn vị trong tỉnh tiếp tục cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hình thành các kho lưu trữ điện tử về kết quả TTHC phục vụ công tác quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức, cá nhân. Tăng cường kiểm tra công tác CCHC và thực thi công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của CBCCVC khi thực thi công vụ, nhiệm vụ; đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Xây dựng các biện pháp, giải pháp duy trì, nâng cao thứ hạng các Chỉ số Par Index, Chỉ số PAPI, Chỉ số PCI, Chỉ số ICT Index. Phấn đấu tỉnh Thái Nguyên nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về Chỉ số CCHC…