Chỉ sau hơn nửa năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01-NQ/TU), tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên toàn bộ các mặt: Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đô thị thông minh… Trong đó, sự vào cuộc của các doanh nghiệp (DN) cung cấp hạ tầng số, giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) góp phần quan trọng hỗ trợ tỉnh đạt được những kết quả này.
Thời gian qua, một trong những DN tham gia mạnh mẽ nhất vào quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Theo thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên và Viettel triển khai 26 giải pháp, nhiệm vụ, tập trung tại 4 lĩnh vực chính: Xây dựng đô thị thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh và chính quyền số.
Ông Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Giải pháp CNTT - Chi nhánh Viettel Thái Nguyên thông tin: Chúng tôi đã hoàn thành 10/26 giải pháp, nhiệm vụ đặt ra, gồm: Xây dựng phòng điều hành thông minh; triển khai nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành; triển khai hệ thống phản ánh hiện trường với ứng dụng công dân Thái Nguyên (C-ThaiNguyen); triển khai nền tảng quản lý camera tập trung; triển khai phòng họp không giấy tờ, nền tảng khám chữa bệnh từ xa Viettel Teleheath…
Trong đó, ứng dụng C-ThaiNguyen là trung tâm CĐS và phát triển dịch vụ thông minh. Ứng dụng cung cấp các chức năng hỗ trợ người dân, DN sử dụng các dịch vụ công ích; hỗ trợ khẩn cấp và phản ánh toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, C-ThaiNguyen đã cung cấp các dịch vụ như: Bản đồ COVID-19, thông tin vắc-xin COVID-19 quốc gia, tờ khai y tế, kiểm soát phương tiện đến tỉnh qua tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 ở khu vực nút giao Tân Long (T.P Thái Nguyên) sử dụng điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen để kiểm tra, phát hiện các trường hợp đến Thái Nguyên từ vùng dịch.
Cùng với Viettel, Viễn thông Thái Nguyên (VNPT Thái Nguyên) cũng là DN có đóng góp không nhỏ vào công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, đơn vị đã tập trung nguồn lực phối hợp chặt chẽ với với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả nhiều nội dung như: Xây dựng hạ tầng số, nền tảng số; triển khai các giải pháp phục vụ chính quyền, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị điều hành và cải cách hành chính; triển khai hệ sinh thái trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử, ngân hàng…
Hiện nay, VNPT Thái Nguyên đã hoàn thiện, ứng dụng một số nội dung như: Hệ thống cáp quang băng thông rộng kết nối đến 100% xã, phường, thị trấn và hàng nghìn trạm thu phát sóng di động 3G/4G; hệ thống thông tin báo cáo liên thông Chính phủ và địa phương; cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; hệ thống cổng thông tin liên thông 3 cấp từ tỉnh đến huyện và 100% đơn vị cấp xã; trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại T.P Sông Công và T.X Phổ Yên; hệ thống quản lý cây xanh trên bản đồ số…
Ông Phạm Quang Thắng, Thường trực CĐS của VNPT Thái Nguyên khẳng định: Những kết quả trên là minh chứng cho quá trình thực hiện nghiêm túc, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm những nội dung trong thỏa thuận hợp tác giữa VNPT với tỉnh.
Cùng với 2 DN trên, Thái Nguyên cũng ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều đơn vị tham gia quá trình CĐS, như: Công ty CP Viễn thông Hà Nội - Hanoi Telecom, Tổng công ty Viễn Thông MobiFone, Công ty cổ phần IOT Link... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các DN, tính đến hết tháng 6-2021, Thái Nguyên đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; hoàn thiện 10/11 hạng mục của Trung tâm điều hành thông minh IOC; lắp đặt 200 camera giám sát tại các khu vực giãn cách xã hội, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, trạm kiểm dịch kết nối với hệ thống giám sát tập trung quốc gia…
Các ngành của tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số; xây dựng hệ thống quản lý kinh doanh xăng dầu trực tuyến và hệ thống hỗ trợ thu hút đầu tư, quản lý cụm công nghiệp trực tuyến; triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải; đã có 95 nghìn người thường xuyên sử dụng dịch vụ thanh toán Viettel Pay, 25,7 nghìn khách hàng sử dụng VNPT Pay. Các ngành của tỉnh cũng đã triển khai hệ thống thông minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục như: Nền tảng khám, chữa bệnh từ xa Viettel Teleheath kết nối các bệnh viện tuyến Trung ương đến 18/18 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tỉnh; hệ thống đào tạo trực tuyến phục vụ tập huấn và bồi dưỡng giáo viên; nền tảng quản lý và thanh toán phí, học phí điện tử…
Đánh giá cao sự vào cuộc của các DN trong việc chung sức cùng với tỉnh thực hiện CĐS, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, với vai trò là cơ quan chuyên môn, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường phối hợp với các DN thực hiện những nội dung CĐS theo kế hoạch như: Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Khu CNTT tập trung Yên Bình; nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo danh mục đã được phê duyệt, đồng bộ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông minh đối với T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công…