Hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động được nhân dân chung tay hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học đã góp phần cải thiện môi trường giáo dục ngày một tốt hơn, nâng cao chất lượng chuẩn quốc gia. Đó là cách làm ở một số trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên những năm gần đây.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu có 90% trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Đây là một trong những chỉ tiêu khó đối với nhiều địa phương khi cơ sở vật chất các trường học hàng năm luôn cần được nâng cấp, phù hợp với yêu cầu phát triển của giáo dục. Hơn nữa là các trường phải giữ được chất lượng chuẩn quốc gia, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) T.P Thái Nguyên chia sẻ: Do nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nên không thể đầu tư cùng lúc đồng bộ trường, lớp và các tiêu chí về cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia ngay được, nên các trường, các địa phương luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục phù hợp. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thực tế cho thấy, ở địa phương nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, chăm lo đến chất lượng giáo dục thì môi trường giáo dục sẽ được cải thiện và đầu tư kịp thời. Đối với các nhà trường, giáo viên, cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm, làm tốt công tác dân vận thì sẽ nhận được sự quan tâm từ các nguồn lực tự nguyện, các nhà hảo tâm và quần chúng nhân dân.
Trường Tiểu học Đồng Bẩm nằm trong con ngõ nhỏ dài hơn 100m xen giữa cụm dân cư với gần 20 hộ dân. Mỗi khi tan trường hoặc trời đổ mưa, con ngõ nhỏ trở nên chật chội, tắc nghẽn giao thông, bùn đất quấn chân lấm lem hết toàn bộ sân trường, nước không thoát kịp tràn đến cửa lớp học. Cứ như vậy, cơ sở vật chất Nhà trường nhanh xuống cấp. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Nhà trường cùng Ban Giám hiệu nhiều lần trăn trở tìm nguồn vốn nâng cấp, nhưng chỉ giáo viên góp sức thì không đủ lực.
Sau nhiều lần khảo sát và tham mưu với Đảng ủy phường để đưa vào kế hoạch phát triển giáo dục địa phương, Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa vào Nghị quyết về kế hoạch phát triển giáo dục, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu giữ chuẩn và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia, định hướng giai đoạn 2020-2025.
Cô Hương nhớ lại: “Đích thân đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND phường phân công kế hoạch công tác từng tháng để cùng Ban Giám hiệu Nhà trường đến từng hộ dân khu vực ngõ vào cổng trường vận động mở rộng lòng lề đường, góp công xây dựng. Đồng thời, thành lập tổ công tác do Bí thư Đảng ủy phường cùng lãnh đạo Nhà trường đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn vận động tài trợ. Sự tâm huyết và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đã tạo hiệu ứng tích cực.
Chỉ hơn 3 tháng, Nhà trường đã nhận được hàng chục tấn xi măng, hàng trăm khối cát sỏi, gạch lát nền... Các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng huy động nhân lực tham gia xây dựng. Mỗi năm một hạng mục, mỗi năm một công trình, đến nay, đường đến trường đã mở rộng 5m được bê tông, có phân làn cho phương tiện đưa đón học sinh bảo đảm trật tự, sạch sẽ. Trong 3 năm, từ năm 2019 đến nay, Trường đã tiếp nhận tài trợ trị giá trên 200 triệu đồng là vật tư xây dựng và hàng nghìn công lao động của bộ đội và nhân dân trong khu vực. Sự đồng thuận và trách nhiệm xã hội với giáo dục địa phương đã củng cố thêm cho ngôi trường những điều kiện tốt nhất để giữ chuẩn quốc gia”.
Còn với Trường Tiểu học Sơn Cẩm 3, được đầu tư đã lâu, phòng học, nhà làm việc đã xuống cấp, thiếu sân chơi, bãi tập... Năm 2020, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tham mưu với Đảng ủy xã Sơn Cẩm đưa vào kế hoạch công tác của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 về xây dựng trường chuẩn quốc gia. Chỉ gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, cơ sở vật chất Nhà trường đã đổi thay và kế hoạch đón chuẩn vào năm học 2021-2022 đã được cấp ủy địa phương và ngành Giáo dục thành phố phê duyệt. Đầu năm học 2021-2022, Trường đã tiếp nhận trên 500 triệu đồng tài trợ ngoài ngân sách Nhà nước, gồm toàn bộ 35 máy tính công nghệ cao phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới; xây mới, san lấp, lát nền sân chơi, trồng cây bóng mát, tường bao khang trang, sạch đẹp, đủ các điều kiện cơ bản cho một ngôi trường chuẩn quốc gia.
Năm học 2021-2022, theo báo cáo của Phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên, toàn ngành tiếp nhận được gần 1,5 tỷ đồng tài trợ đầu tư cơ sở vật chất trường học từ các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Phía sau những con số này còn có hàng chục nghìn công sức đóng góp của các chiến sĩ bộ đội hoạt động tình nguyện, của thanh niên các địa phương, của hội phụ huynh học sinh và nhiều nhà hảo tâm đã thầm lặng vun đắp cho môi trường giáo dục ngày càng khang trang, hiện đại.