Phát triển thương mại - dịch vụ ở T.P Thái Nguyên: Khẳng định vai trò “mũi nhọn”

07:19, 11/09/2021

Trong cơ cấu kinh tế của T.P Thái Nguyên, thương mại - dịch vụ (TM-DV) là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất, với trên 50%. Do đó, phát triển TM-DV là một trong những giải pháp quan trọng được thành phố triển khai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Nếu như trước đây, hoạt động lưu chuyển và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, T.P Thái Nguyên nói riêng tập trung chủ yếu ở các chợ truyền thống thì nay các hoạt động mua - bán ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Theo số liệu thống kê, trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có 4 trung tâm thương mại, 20 siêu thị, 30 chợ và nhiều cửa hàng tiện ích…, thu hút hàng nghìn hộ kinh doanh. 

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng ngành TM-DV của thành phố vẫn đạt 18,15%, cao nhất trong 3 lĩnh vực kinh tế (công nghiệp - xây dựng đạt 15,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10,7%). Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt trên 18.800 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Trong cơ cấu kinh tế của thành phố, TM-DV vẫn là lĩnh vực mũi nhọn, tiếp đến là công nghiệp và nông nghiệp. Để thúc đẩy phát triển TM-DV, thời gian qua, được với sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của tỉnh, T.P Thái Nguyên đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các dự án, sản xuất kinh doanh vào địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực TM-DV. Có thể kể đến một số dự án phát triển TM-DV có quy mô lớn được triển khai trên địa bàn thành phố những năm gần đây như: Dự án Trung tâm phân phối và dịch vụ bảo trì xe ô tô Honda của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Việt Nhật với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng; Dự án Trung tâm thương mại Vincom Plaza thuộc Tập đoàn Vin Group với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng...

Khách hàng chọn mua nông sản sạch tại một siêu thị trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Ảnh: K.L

Trong số các dự án phát triển TM-DV được triển khai tại T.P Thái Nguyên, một trong những công trình có quy mô lớn nhất là Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! tại phường Tân Lập. Với diện tích 36.000m2, tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng, đây là trung tâm thương mại - đại siêu thị lớn nhất và hiện đại nhất của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam. Từ khi chính thức hoạt động vào cuối tháng 4-2021 đến nay, Trung tâm đã cung cấp các mặt hàng từ nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng cho đến các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo, giải trí… góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm, phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. 

Ông Hà Văn Hùng, Giám đốc Siêu thị GO! Thái Nguyên chia sẻ: Siêu thị hiện đang kinh doanh hơn 50.000 mặt hàng. Đây là điểm phân phối hàng hóa giúp người dân tại T.P Thái Nguyên cũng như các khu vực lân cận có cơ hội mua sắm hàng hóa phong phú, bảo đảm chất lượng, đồng thời góp phần khai thác các loại hàng hóa, đặc sản của tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ trên hệ thống siêu thị GO! trong toàn quốc. Hiện nay, tuy dịch COVID-19 khiến hoạt động TM-DV có phần trầm lắng nhưng mỗi ngày, Siêu thị GO! Thái Nguyên vẫn thu hút 1.500-2.000 lượt khách hàng đến mua sắm. 

Để thúc đẩy TM-DV phát triển, bên cạnh việc tạo thuận lợi về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, T.P Thái Nguyên cũng chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã huy động trên 13.600 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực từ các doanh nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng thương mại. Cũng trong giai đoạn này, thành phố cũng đã đầu tư gần 70 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới các chợ truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao thương hàng hóa của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân cho biết: Nếu như trước đây, người dân đến chợ Phúc Xuân phải gửi xe ở nhà dân hay để tạm dưới lòng, lề đường thì nay chợ đã được quy hoạch mở rộng lên hơn 3.000m2, với các ki-ốt rộng rãi. Bình quân mỗi năm, từ nguồn thu thuế, phí tại chợ, UBND xã dành khoảng 100 triệu đồng để sửa chữa thường xuyên các hạng mục nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh, buôn bán cho người dân.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy TM-DV phát triển, thành phố cũng đã phối hợp thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thị trường, kinh doanh; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ người tiêu dùng… Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động thông tin, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của thành phố trong phát triển TM-DV đến các nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án dịch vụ, du lịch có tầm cỡ… 

Theo ông Lê Quang Minh: Để TM-DV phát triển cần phải có “trục kéo” là các ngành, lĩnh vực khác. Do vậy, định hướng của thành phố thời gian tới là tiếp tục mở rộng cụm công nghiệp phía Nam, với diện tích 500ha; đồng thời tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án phát triển du lịch, từng bước nâng cao chất lượng TM-DV, khẳng định vai trò “mũi nhọn” trong đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.