Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Thực hiện chủ trương này, huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo động lực để kinh tế tập thể (KTTT) phát triển, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX).
Để có được thành quả là 1 trong 2 HTX trên địa bàn tỉnh có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), HTX miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã phải trải qua hơn 12 năm nỗ lực.
Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX chia sẻ: Khi mới thành lập, HTX hoạt động trong điều kiện sản xuất lạc hậu, theo phương pháp thủ công nên hiệu quả thấp. Từ khi Luật HTX năm 2012 ra đời và được cơ quan chuyên môn của huyện Đồng Hỷ hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, HTX miến Việt Cường đã củng cố về mặt tổ chức theo hướng gọn nhẹ, đảm bảo đúng nguyên tắc hoạt động.
Những năm tiếp theo, chúng tôi được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư, nghiên cứu chế tạo và lắp đặt hệ thống máy phơi miến tự động, máy ép thủy lực, góp phần tăng năng suất lao động. Ngoài ra HTX còn được tiếp cận các chính sách về: Cán bộ nguồn nhân lực, tài chính tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ (trị giá gần 800 triệu đồng), đầu tư phát triển hạ tầng (trên 6 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng), tập huấn kiến thức, tiếp thị và mở rộng thị trường…
Qua đó, hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả, phát triển không ngừng qua các năm. Hiện HTX có 25 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, liên kết, bao tiêu nguyên liệu cho 150 hộ sản xuất bột dong riềng. Sản phẩm miến của HTX đã được xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Lào, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước thuộc EU…
Cùng với HTX miến Việt Cường, nhiều HTX khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đã được “tiếp sức” bằng nhiều hình thức khác nhau. Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Bò Mông số 11 (xã Văn Lăng) cho biết: Với mong muốn gìn giữ, phát triển đàn bò H’Mông (có nhiều ưu điểm như dễ thuần phục, cày kéo tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, có khả năng sinh sản tốt, sản lượng thịt cao, mềm) nên chúng tôi đã thành lập HTX vào tháng 3-2019 với 7 thành viên.
Sau khi đề xuất với ngành chức năng của huyện, đến cuối năm đó, HTX được tỉnh hỗ trợ tổng 550 triệu đồng bao gồm tập huấn kiến thức chăn nuôi và 30 con bò H’Mông sinh sản, các xã viên đối ứng thêm 30%. Đến nay, đàn bò phát triển tốt, sinh được 20 con bê và dự kiến được xuất bán vào cuối năm nay.
Thành viên HTX bò Mông số 11 ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Dự án phát triển đàn bò ứng dụng khoa học kỹ thuật theo chuỗi giá trị.
Với hiện mục tiêu “sớm đưa KTTT nói chung và kinh tế HTX nói riêng thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân” như Nghị quyết số 13/NQ-TW đề ra, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đồng Hỷ đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa nội dung này. Đồng thời, địa phương triển khai giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế; triển khai đầy đủ các chính sách khuyến khích phát triển KTTT, HTX.
UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới phát triển các HTX theo Luật HTX năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”…
Với việc đa dạng các hoạt động hỗ trợ KTTT phát triển, đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 31 tổ hợp tác với 1.148 thành viên; 74 HTX với 1.071 thành viên (tăng 71 HTX so với năm 2001). Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt 72 triệu đồng/người/năm (tăng 70 triệu đồng so với năm 2001). Những năm gần đây, sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, được đánh giá cao tại Chương trình OCOP hàng năm. Trong 2 năm (2019-2020), toàn huyện có 19 sản phẩm của 10 HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia. Năm nay, huyện tiếp tục có 10 HTX với 18 sản phẩm đặc trưng của địa phương được đề nghị đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Có thể nói, KTTT trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có sự phát triển về lượng và chất, khẳng định vai trò đối với thành viên và cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, trên địa bàn vẫn còn một số HTX, tổ hợp tác hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình KTTT, nhất là các HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng các HTX hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững, mở rộng số lượng thành viên và quy mô sản xuất, kinh doanh; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với phát triển KTTT, huy động nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển KTTT; phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác ở khu vực nông thôn trên cơ sở liên kết rộng rãi người lao động, hộ nông dân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế…