Bài 2: “Có thực mới vực được đạo” So với các vùng kinh tế khác ở huyện Phú Lương, tam Yên có tốc độ phát triển chậm hơn. Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra và vấn đề quan trọng hiện nay mà cấp ủy, chính quyền địa phương cần giải quyết là đề ra những giải pháp đồng bộ để thực thành công Nghị quyết của Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt là đón đầu làn sóng đầu tư để phát huy thế mạnh của các xã vùng tam Yên.
Những “rào cản” cần sớm gỡ bỏ
Thời gian qua, nhiều giải pháp, chính sách đã được huyện Phú Lương triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ở 3 xã vùng tam Yên. Tuy nhiên, kết quả đem lại vẫn chưa được như mong muốn. Qua rà soát, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở 3 xã trong vùng còn khá cao, đều cao hơn mức bình quân chung của toàn huyện.
Trong đó, xã Yên Trạch còn 6,46% hộ nghèo – cao nhất trong toàn huyện, xã Yên Ninh còn 2,84%, Yên Đổ là 2,49%. Nguyên nhân là do tại các địa phương đang tồn tại một số “rào cản” cần phải khắc phục.
Trở ngại đầu tiên cần nói đến chính là hệ thống giao thông. Hiện nay, các tuyến quốc lộ, đường liên xã trong vùng tam Yên đã cơ bản được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, phần lớn mạng lưới đường “xương cá” kết nối các xóm, cụm dân cư, đường nội đồng, đường lâm nghiệp… vẫn là đường đất, nhỏ hẹp.
Ông Hoàng Thông Báo, Bí thư Chi bộ xóm Ba Họ, xã Yên Ninh nói: Bà con trong xóm muốn đến trung tâm xã phải đi qua con đường đất dài khoảng 7km. Đường đi khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, giao thương. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư làm tuyến đường này. Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo địa phương, để xây dựng con đường này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân sẽ phải đối ứng hàng tỷ đồng. Con số này vượt quá khả năng của chúng tôi.
Bên cạnh đó, phần lớn người dân vùng tam Yên vẫn làm kinh tế theo phương thức truyền thống với quy mô hộ gia đình nên lợi nhuận còn hạn chế. Bà Ma Thị Tế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Trạch cho hay: Những năm gần đây, chúng tôi đã vận động nhân dân tham gia mô hình nông nghiệp và cam kết bao tiêu đầu ra nhưng do thói quen sản xuất tự do, không ràng buộc nên vẫn có hộ sẵn sàng phá hợp đồng, bán sản phẩm cho tiểu thương nếu giá thu mua cao hơn…
Thu “con muỗi”, chi “con ong”
Thực tế hiện nay, nguồn lực cần để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng tam Yên là rất lớn nhưng số thu ngân sách hàng năm các xã lại khá hạn chế. Riêng năm 2020, tổng thu ngân sách của Yên Trạch là hơn 227 triệu đồng nhưng chi ngân sách của xã lên đến hơn 10 tỷ đồng. Tại 2 xã Yên Ninh và Yên Đổ, số thu ngân sách cũng chỉ đáp ứng được gần 10% chi cho các hoạt động của địa phương.
HTX nông nghiệp sạch Công Minh, ở xã Yên Trạch (Phú Lương) chuyên nuôi gà lông màu. Đây là một trong rất ít các mô hình kinh tế có quy mô tương đối lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng tam Yên.
Thêm nữa, thời gian qua, các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế được triển khai tại 3 xã lại có phần dàn trải nên chưa đem lại hiệu quả cao. Một số mô hình chỉ có “tuổi thọ” vài năm, như: Trồng đỗ tương tại xóm Đin Đeng (xã Yên Trạch); trồng chuối tây và bí xanh (xã Yên Ninh); hệ thống tưới chè tại xóm Trung (xã Yên Đổ)... Ngược lại, một số mô hình kinh tế do nhân dân tự đầu tư đang đem lại hiệu quả thì lại chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ.
Anh Lộc Văn Tịnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Công Minh, xã Yên Trạch chia sẻ: HTX đang phát triển nuôi gà màu với quy mô trên 2 vạn con. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán 7 tấn gà với giá khoảng 52 nghìn đồng/kg. Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị xã, huyện quan tâm hỗ trợ vay vốn để xây thêm chuồng trại và phát triển nuôi gà an toàn để mở rộng thị trường nhưng chưa được.
Chính sách sát với thực tiễn
Trước những vấn đề đặt ra, cấp ủy, chính quyền các xã vùng tam Yên nên có những bước đi mới với các cơ chế, chính sách có tính đột phá, sát thực tiễn cơ sở để tạo đà giúp người dân mạnh dạn, năng động hơn trong phát triển kinh tế.
Ông Ma Văn Thanh, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ xã Yên Đổ cho hay: HTX đang hoạt động ở 2 lĩnh vực chính là ươm cây giống và chế biến lâm sản. Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đã đề xuất các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, quảng bá sản phẩm nhưng chưa được đáp ứng. Đặc biệt, lĩnh vực ươm cây giống chưa có bất kỳ định hướng hay hỗ trợ nào.
Về phía chính quyền các xã vùng tam Yên cũng đau đáu trong việc tìm hướng đi phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy kinh tế - xã hội nhưng “cái khó vẫn bó cái khôn”. Ông Hứa Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: Cùng với nỗ lực của địa phương, chúng tôi cũng mong tỉnh, huyện quan tâm thu hút đầu tư vào các khu vực đã được quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung và cụm công nghiệp của xã. Đồng thời, quan tâm triển khai các mô hình sản xuất có tính khả thi cao, lựa chọn địa điểm và hình thức hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm...
Về hướng “gỡ khó” cho vùng tam Yên, theo ông Ngô Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Huyện sẽ chú trọng ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng. Trước hết là xây dựng 2 xã Yên Ninh, Yên Trạch đạt chuẩn nông thôn mới. Giải pháp quan trọng nhất được tính đến là thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Mới đây, huyện đã làm việc với Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Khách sạn Tân Hoàng Minh về đề xuất xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại 2 xã Yên Đổ và Yên Trạch với diện tích trên 1.129ha. Nếu dự án được triển khai và đạt hiệu quả, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo đà tiếp tục thu hút các nhà đầu tư khác về với vùng tam Yên.
(Hết)