Đến thời điểm này, T.P Sông Công đã giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 168 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm 2021. Theo đánh giá của UBND thành phố, mặc dù tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư trên địa bàn thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm, nhưng tiến độ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện, thành phố đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra…
Năm 2021, T.P Sông Công triển khai thực hiện 116 dự án đầu tư công (bao gồm cả 14 dự án chuyển tiếp từ năm 2020), với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 239 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 24,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3,1 tỷ đồng, ngân sách thành phố 212 tỷ đồng. Trong số này, đến nay, còn 16 dự án có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt dưới 60% kế hoạch và 7 dự án chưa thực hiện giải ngân.
Theo đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND T.P Sông Công, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố đạt rất thấp, chỉ khoảng 35% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do tác động của dịch COVID-19 khiến các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải bố trí lại phương án thực hiện và lực lượng tham gia. Các chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình bị ảnh hưởng; giá vật liệu xây dựng (cát, sắt thép…) tăng cao bất thường, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công; nhiều dự án không có khối lượng hoàn thành để thanh toán.
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên MTV Tiến Mạnh Lai Châu, chủ đầu tư Dự án đường Thắng Lợi kéo dài giai đoạn 2 cho biết: Theo kế hoạch, tháng 8-2021, tuyến đường sẽ được hoàn thiện. Tuy nhiên, thời điểm đó dịch COVID-19 xuất hiện tại T.P Sông Công khiến việc thi công phải dừng lại do thiếu nhân lực và vật lực. Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp tục thi công. Hiện nay, tuyến đường đã được thảm nhựa lần 1, dự kiến đến cuối tháng 12 tới sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Bên cạnh những khó khăn trên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trên địa bàn còn gặp vướng mắc về đơn giá, phương án bồi thường làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Mặc dù được thực hiện từ năm 2020 nhưng đến nay, Dự án khu dân cư đường Lê Hồng Phong giai đoạn 2 (T.P Sông Công) còn 7 vị trí chưa giải phóng mặt bằng, tỷ lệ giải nguồn vốn mới đạt trên 40%.
Đơn cử như Dự án khu dân cư đường Lê Hồng Phong giai đoạn 2 và 3, triển khai tại 2 phường Bách Quang và Châu Sơn. Mặc dù được thực hiện từ năm 2019, song đến nay, Dự án còn 7 vị trí chưa được giải phóng mặt bằng, do người dân không đồng thuận với phương án bồi thường. Do đó, Dự án chưa bảo đảm khối lượng để nghiệm thu thanh toán, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư mới chỉ đạt trên 40%.
Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của T.P Sông Công đạt thấp là do năm nay là năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên nhiều dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn. Mặt khác, một số quy định mới về quản lý vốn đầu tư công đã có hiệu lực thi hành như: Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14… khiến các đơn vị chủ đầu tư còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hết năm 2021, giải ngân 100% kế hoạch vốn, UBND T.P Sông Công yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân tối đa kế hoạch vốn giao.
Nếu dự án nào không có khả năng thực hiện, các đơn vị chủ động đề xuất chuyển nguồn vốn cho các dự án khác. Đến hết niên độ giải ngân cho phép, các đơn vị chủ đầu tư không thực hiện giải ngân hết số vốn được giao dẫn đến bị hủy bỏ, thu hồi vốn phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Về phía Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố, UBND T.P Sông Công giao đơn vị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án bàn giao mặt bằng thực hiện các gói thầu xây dựng, bảo đảm tính khả thi để thực hiện đúng tiến độ gói thầu cũng như cả dự án theo kế hoạch. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách đầu tư của địa phương để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng; khẩn trương trình phê duyệt chính thức các phương án tạm tính làm căn cứ để sớm phê duyệt quyết toán dự án.
Các đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố cũng được yêu cầu phải có biện pháp tổ chức thi công phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đối với các dự án đã có khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian quy định để gửi Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán. Đối với các dự án khởi công mới, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư để có thể nhanh chóng triển khai và giải ngân trong thời gian sớm nhất.
Định kỳ hàng tháng, Kho bạc Nhà nước thành phố thực hiện rà soát, báo cáo tỷ lệ giải ngân ở từng dự án với UBND thành phố; chủ động làm việc với chủ đầu tư để tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là đối với những dự án chưa giải ngân, tỷ lệ giải ngân thấp; trao đổi, hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan giải ngân dự án vốn đầu tư công; chủ động tham mưu với UBND thành phố về phương án điều chỉnh, điều chuyển vốn giữa các dự án, phù hợp với tiến độ thực tế của từng dự án, nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn…
Bằng những giải pháp cụ thể, quyết liệt, địa phương đang từng bước tháo gỡ những “nút thắt”, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.