Người lao động có trình độ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp nhưng lại tự “giấu” bằng cấp, biến mình thành lao động phổ thông để dễ xin việc; lao động “đổi” việc như thay áo; lao động nữ trẻ tuổi “được giá" hơn lao động nam; “già hóa” lao động trong lĩnh vực nông nghiệp… Đây là những vấn đề lớn của thị trường lao động tỉnh Thái Nguyên hiện nay và nếu cơ quan chức năng không kịp thời có giải pháp điều chỉnh, có thể sẽ để lại nhiều hậu quả, hệ lụy lâu dài.
Bài 1: Lao động qua đào tạo đã “đúng danh”?
Tỉnh Thái Nguyên được biết đến là trung tâm đào tạo nhân lực lớn thứ 3 cả nước, quy tụ 24 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Điều này đồng nghĩa với khả năng cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo rất lớn. Thế nhưng, theo khảo sát kết quả sử dụng lao động tại các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, tỷ lệ lao động phổ thông lại đang chiếm đa số. Sự “lệch pha” này phản ánh xu thế tuyển dụng cũng như chất lượng nguồn lao động hiện có của tỉnh.
Hiện nay, rất nhiều lao động có bằng đại học, cao đẳng nhưng chấp nhận xin vào làm công nhân tại các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa)
“Giấu” bằng đại học đi làm công nhân
Trong một chuyến tác nghiệp tại huyện miền núi Định Hóa, chúng tôi có cơ hội gặp em Hoàng Thị Uyên (sinh năm 1994), ở xóm Lợi B, xã Phượng Tiến. Uyên tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Nhưng sau khi tốt nghiệp, em không xin được việc làm đúng chuyên ngành mà đang làm nhân viên bán hàng tại Trung tâm thương mại Vincom Thái Nguyên.
Uyên tâm sự: Sau khi tốt nghiệp Đại học, em đã “rải” hồ sơ ở rất nhiều nơi nhưng vẫn không tìm được công việc theo đúng chuyên môn. Vì vậy, sau hơn 1 năm tìm việc, em buộc phải gác lại giấc mơ thuở nhỏ là đứng trên bục giảng và xin làm công nhân cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử, nơi chỉ cần người lao động tốt nghiệp THCS hoặc THPT. Một thời gian sau đó, em chuyển sang làm nhân viên bán hàng. Tấm bằng cử nhân từng là niềm tự hào của gia đình giờ được cất kỹ trong tủ.
Ông Hoàng Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến nhẩm đếm: Số sinh viên sau tốt nghiệp không xin được việc làm đúng chuyên ngành như em Uyên rất phổ biến ở địa phương. Đơn cử như em Mông Thị Thuận, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên nhưng hiện làm công nhân tại một nhà máy trong Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên); em Hoàng Thị Linh tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên cũng đang làm công nhân…
Qua khảo sát của chúng tôi, thực trạng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng tương tự như tại Phượng Tiến. Hiện, có trên 10.000 lao động là người Thái Nguyên đang làm công nhân tại các nhà máy trong Khu công nghiệp Yên Bình và trong số đó có khoảng 25% có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng trước hết là do nguồn “cung” lao động chưa sát “cầu”. Thực tế là nhiều sinh viên ra trường nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về trình độ, chuyên môn nghề nghiệp, thậm chí là tác phong và ý thức làm việc.
Ông Hoàng Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến (Định Hóa): Toàn xã có trên 2.600 người trong độ tuổi lao động, trong đó, nhiều người có trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên. Tuy nhiên, tại địa phương chỉ có 2 xưởng sản xuất đồ gỗ và 4 cơ sở làm mỳ gạo, với nhu cầu sử dụng 3-5 lao động/đơn vị nên nhiều lao động trẻ của địa phương phải đến các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh làm công nhân. |
Là một trong những nhà đầu tư mới tại Thái Nguyên, để phục vụ Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp mô-đun camera tại Khu công nghiệp Yên Bình, từ tháng 4-2021 đến nay, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam đã tổ chức 3 đợt tuyển dụng lớn cho các vị trí việc làm. Chị Vũ Thị Yến Hoa, Trưởng nhóm tuyển dụng của Công ty, cho hay: So với công nhân, các vị trí cấp nhân viên làm việc tại văn phòng có số lượng tuyển dụng ít song mức lương hấp dẫn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu bắt buộc về bằng cấp, các ứng viên được tuyển dụng cũng phải chứng tỏ được năng lực của mình, có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc tốt, thành thạo ngoại ngữ. Do vậy, không phải ứng viên nào có bằng cấp cũng được tuyển dụng.
Tương tự, tại một số đơn vị khác như: Công ty Myungjin Electronic Vina, Công ty TNHH Hadanbi Vina,… đối với các vị trí quản lý sản xuất, nhân viên, bằng cấp mới chỉ là điều kiện cần, nhà tuyển dụng còn yêu cầu ứng viên thành thạo ngoại ngữ, tin học, đã có kinh nghiệm làm tại vị trí tương đương từ 1-3 năm trở lên, chịu được áp lực công việc, có thể làm tăng ca theo kế hoạch sản xuất…
Liên tục “nhảy” việc
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ năm 2019 đến nay, Thái Nguyên có gần 9.000 lao động có việc làm thông qua giới thiệu của đơn vị này. Trong đó, tỷ lệ lao động phổ thông chiếm tới trên 80%. Chỉ với một vài yêu cầu đơn giản như: Nhanh nhẹn, tiếp thu tốt, sức khỏe tốt, không cần kinh nghiệm…, do vậy, lao động phổ thông rất dễ xin được việc làm. Đó là chưa kể đến nguyên do tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp khan hiếm công nhân do một số địa phương thực hiện giãn cách, các yêu cầu tuyển dụng lao động phổ thông càng được “nới lỏng”.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Việc tuyển dụng không cần đào tạo qua ngành nghề cụ thể khiến người lao động dễ tiếp cận vị trí việc làm, nhưng mặt khác lại dẫn tới tình trạng “nhảy” việc quá nhanh của một bộ phận lao động. Hệ lụy là khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu tính ổn định, thị trường lao động lúc thừa, lúc thiếu.
Trường hợp của em Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1995), ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư kỹ thuật điện - điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, từ năm 2019 đến nay, Cường đã trải qua nhiều vị trí việc làm, như: Công nhân Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên, công nhân cơ khí, nhân viên bán hàng của cửa hàng FPT, công nhân Công ty CP Cơ khí Gang thép…
Lý giải về điều này, Cường cho biết: Không ai muốn chuyển việc liên tục nhưng để tìm được công việc phù hợp thì quá khó khăn, đúng ngành nghề đào tạo lại càng khó. Trong khi đó, các công ty liên tục tuyển công nhân với số lượng lớn, từ vài trăm đến hàng nghìn người mỗi đợt và không yêu cầu nhiều về trình độ, kỹ năng. Thêm nữa, em cần thu nhập hàng tháng để phụ giúp gia đình, nuôi sống bản thân nên đành tìm đến các công việc không đòi hỏi bằng cấp và nhanh chóng chuyển việc nếu nơi khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Đôi bên đều thiệt
Tình trạng đổi việc, nghỉ việc không chỉ khiến người lao động bị mất việc tức thì, Nhà nước phải thanh toán chế độ Bảo hiểm thất nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị. Khi lao động thay đổi việc làm quá nhanh, các doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí, thời gian tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lại nhân sự. Theo đó, kế hoạch sản xuất cũng có thể bị đảo lộn.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh: Vẫn có sự cách biệt lớn giữa yêu cầu của doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động. Trong khi doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và mức độ cống hiến của người lao động thì đại đa số công nhân chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt. Do đó, tình trạng công nhân bỏ việc, xin chuyển chỗ làm rất phổ biến. |
Chị Trần Minh Nam, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Shinsung C&T Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy), nói: Từ đầu năm đến nay, Công ty đã tổ chức 5 đợt tuyển dụng với số lượng 400 lao động, chủ yếu là lao động trực tiếp tại các dây chuyền sản xuất. Tuy vậy, đến nay, số lao động còn "trụ" lại Công ty chỉ khoảng gần 300 người. Lý do người lao động nghỉ việc là do dịch bệnh, nghỉ thai sản, chuyển công việc mới… Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động đã từng chuyển đổi việc làm từ 2-3 lần trước khi đến làm việc tại Công ty khá phổ biến.
Khảo sát ở một số doanh nghiệp khác trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy tính ổn định trong quá trình làm việc của người lao động, đặc biệt là công nhân còn thấp. Khi được hỏi nguyên nhân, hơn 80% công nhân cho biết muốn tìm việc khác có thu nhập cao hơn, tiếp đến là các lý do như: Chỗ làm xa nơi ở, cường độ làm việc cao, môi trường không phù hợp...
Còn nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra khi chấm dứt hợp đồng là người lao động làm việc không hiệu quả, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, tiếp cận công việc chậm. Cùng đó là sau mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết, nhiều lao động tự ý nghỉ việc cũng khiến các doanh nghiệp trên địa bàn bị gián đoạn sản xuất, giảm quy mô hoặc buộc phải tăng ca, thêm giờ làm đối với số lao động còn lại để không bị vỡ hợp đồng đã ký với đối tác.
Khi không được đáp ứng mong muốn hoặc vì áp lực công việc, nhiều người, đặc biệt là lao động trẻ thường nghĩ ngay đến chuyện “bỏ” việc để tìm môi trường mới. Tuy nhiên, việc người lao động đổi nơi làm việc liên tục không chỉ tác động đến doanh nghiệp, mà chính bản thân họ cũng bị chịu thiệt thòi nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội. Lớn hơn là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm sức cạnh tranh so với thị trường lao động quốc tế…
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, được tuyển dụng vào làm việc theo đúng ngành nghề chuyên môn trung bình đạt 30%, còn 70% áp dụng trong các công việc thuộc ngành nghề khác. |
(Còn nữa)